Ở đây, xin chỉ nói về chữ ngơi. Nguyễn Tài Cẩn biện luận: “Theo TVK (Anthony Trần Văn Kiệm - AC), NGHE còn có cách đọc là NGƠI […] “NGƠI có nghĩa là “phơi trần ra” (HTC); […]” Xin nhận xét như sau.
Về cái nghĩa “phơi trần ra” của chữ ngơi, mà Nguyễn Tài Cẩn ghi là đã dẫn theo HTC (Huình-Tịnh Paulus Của - AC) thì từ này đã và chỉ được HTC chính thức giảng là “Nghỉ an, ngủ (nói về quan trường)”. Mục ngơi của có bốn mục phụ trong đó có ngơi đầu, được HTC giảng là “đi đầu trần, phơi đầu”. Nguyễn Tài Cẩn đã trộn lời giảng này của HTC thành “phơi trần ra” mà đưa vào công trình của mình. Nhưng chính cái nghĩa và cả cách ghi tên mục phụ này (ngơi đầu) cũng phải được xét lại. Tương ứng với mục phụ này của HTC là ngơi ngơi đầu (không phải ngơi đầu) trong ba quyển từ điển song ngữ: Dictionarium Anamitico-Latinum của P.P.de Béhaine, viết tay (1772 - 1773), Dictionarium Anamitico-Latinum của J.L.Taberd (Serampore, 1838), Dictionnaire annamite-français của J.F.M.Génibrel (Saigon, 1898). Hai quyển trước dịch ngơi ngơi đầu là aperto capite incedere. Rồi J.F.M.Génibrel cũng thừa hưởng từ hai quyển trên mà dịch thành marcher la tête découverte. Cả aperto capite incedere và marcher la tête découverte đều có nghĩa là “đi đầu trần”. Xin nhắc lại rằng cả ba quyển từ điển trên đều ghi ngơi ngơi đầu, chứng tỏ ba tiếng này là một ngữ cố định nên không thể cắt bớt thành ngơi đầu như HTC đã làm.
HTC đã sai khi cắt bỏ một chữ ngơi và càng sai khi giảng ngơi đầu thành “phơi đầu” vì đã xóa bỏ cái nét nghĩa chính mà De Béhaine và Taberd đã diễn đạt bằng động từ incedere còn Génibrel thì bằng marcher, đều có nghĩa là “đi”. Đối với incedere và marcher thì aperto capite và la tête découverte chỉ là thành phần phụ về ngữ pháp, có nghĩa là “đầu trần”. Xin nhớ rằng aperto capite, cũng có thể đảo thành capite aperto, chỉ là “đầu trần”, như M.H.Ravier đã dịch trong Dictionarium Latino-Annamiticum (Ninh Phú, 1880). Suy diễn aperto capite incedere, marcher la tête découverte và đi đầu trần (đây là lời giảng của chính HTC) thành “phơi đầu” thì chẳng hóa ra đã xóa bỏ hoàn toàn cái từ trung tâm là incedere, marcher và đi? Làm như là hễ ngồi, nhảy, luyện võ, leo cây... thì không thể để đầu trần.
Cứ như trên thì hiển nhiên là Nguyễn Tài Cẩn đã bắt rễ nhầm khi dựa vào một mục từ của HTC mà cả cái tên mục lẫn lời giảng đều có vấn đề để tìm âm và nghĩa cho chữ Nôm đang xét. Nhưng ngay cả nếu HTC có hoàn toàn đúng đi chăng nữa thì cái âm “ngơi” của Nguyễn Tài Cẩn cũng phải bị loại ngay từ đầu. Sau đây là lý do.
Nguyễn Tài Cẩn đã viết rằng “nghe còn có cách đọc thành ngơi”. Mệnh đề này làm cho người đọc hiểu rằng ngơi là một biến thể ngữ âm của nghe và nếu đúng như thế thì Nghe trời nặng nặng, nghe ta buồn buồn (Huy Cận); nghe hơi nồi chõ; như vịt nghe sấm... cũng có thể nói thành Ngơi trời nặng nặng, ngơi ta buồn buồn; ngơi hơi nồi chõ; như
vịt ngơi sấm chăng? Ở đây, Nguyễn Tài Cẩn không nghiêm túc, vì đã gán cho TVK cái mệnh đề sai trái đó. Thực ra, TVK chỉ ghi âm ngơi cho chữ nghi [宜] khi chữ này được dùng làm Nôm. Tất cả chỉ có thế mà thôi, không hơn không kém.
Bình luận (0)