Trong việc truy tầm từ nguyên của những từ Việt gốc Hán, ngoài những quy luật về tương ứng ngữ âm, trong nhiều trường hợp, ta còn có một loại cứ liệu phụ nhưng cũng không kém phần quan trọng và rất thú vị, đó là thanh phù của những hình thanh tự (chữ hình thanh).
Hình thanh tự là những chữ có hai thành tố xét về mặt cấu tạo: nghĩa phù, cũng là bộ thủ, dùng để chỉ phạm trù ngữ nghĩa khái quát nhất; còn thanh phù thì dùng để chỉ âm của nó. Xin cử một thí dụ thú vị: thoạt nhìn có thể sẽ có người không tin rằng chữ dã [也] lại là thanh phù của chữ địa [池]. Thế nhưng dã [也] chẳng những là thanh phù của địa [地] mà còn là thanh phù của trì [池] nữa. Nếu biết rằng âm xưa của trì là đìa thì ta sẽ không còn lấy làm lạ trước hiện tượng dã [也] hài thanh cho địa [地].
Trong bài này, chúng tôi muốn nói về mấy chữ hình thanh mà thanh phù là chữ sạ [乍], nhưng lại đọc thành tạc, tác, trá, trách, tộ.
Chữ trá [炸], có nghĩa là “nổ”, bị đọc sai thành tạc trong oanh tạc, tạc đạn... mà không có lý do ngữ âm học thích đáng nào ngoài việc tuân theo cái mẫu của chữ tạc [昨] trong tạc nhật là “ngày hôm qua”.
Chữ tạc [酢] trong thù tạc có nghĩa là “[khách] rót rượu mời lại chủ nhà để đáp lễ” (chủ nhà mời là thù [酬]). Chữ tạc này có một điệp thức còn tồn tại trong tiếng Việt hiện đại là trả trong trả lễ, trả nghĩa, trả ơn. Xin nhớ rằng chữ này có thanh phù là sạ mà sạ còn hài thanh cho chữ trá bị đọc thành tạc ở trên, hoặc cho chữ trá [詐] trong trá bệnh, trá hàng, trá hình.
Chữ tạc [鈼] có hai nghĩa là “nồi” hoặc “một thứ xửng/thửng dùng để chưng, hấp”. Chữ này có một điệp thức trong tiếng Việt là trả, với biến thể thanh điệu là trã, còn tồn tại trong phương ngữ Nam bộ. Với nghĩa “nồi”, nó được ghi là trã và được Việt Nam tự điển của Khai Trí Tiến Đức giảng là “thứ nồi đất nhỏ, rộng miệng, nông đáy, thường dùng để kho nấu”. Với nghĩa “xửng/thửng”, nó được ghi là trả và được Từ điển từ ngữ Nam bộ của TS Huỳnh Công Tín giảng là “một loại thau có lỗ dùng để vo, đãi gạo, đậu hoặc một số thực phẩm ở trong nước”. Ý kiến cho rằng trả có quan hệ họ hàng với klah của tiếng Chăm cần được xét lại.
Chữ tạc [怍] có nghĩa là “xấu hổ, thẹn thùng” có một điệp thức trong tiếng Việt là tò trong từ tổ đẳng lập tẽn tò. Chữ tộ [祚], với nghĩa “năm, tuổi” có một điệp thức là tác trong tuổi tác.
Với âm trách, chữ [笮] có nghĩa gốc là “giỏ đan bằng tre để đựng [mũi] tên”. Với nghĩa này, nó có điệp thức trong tiếng Việt là trạc mà Việt Nam tự điển của Khai Trí Tiến Đức giảng là “đồ đan bằng tre hay bằng mây, để khiêng đất”. Với âm tạc, nó có nghĩa là “dây quấn bằng tre” và có điệp thức trong tiếng Việt là chạc, có nghĩa là “thừng nhỏ mà ngắn”.
Bình luận (0)