Lắt léo chữ nghĩa: Sừ: bừa; cúc: cuốc?

25/08/2019 09:38 GMT+7

Tam thiên tự là một tác phẩm xưa, giảng 3.000 chữ/từ Hán bằng chữ Nôm trong đó có vế “鋤 sừ: bừa;鞠 cúc: cuốc” (chữ số 49 và chữ số 50). Cả hai chữ này đều bị giảng sai.

Trong tiếng Hán thì sừ [鋤] là “cuốc” chứ không phải là “bừa”. Sách xưa Tam thiên tự sai đã đành. Chỉ tiếc rằng một số tác giả của từ điển ở thế kỷ 20 cũng theo cái dớp đó mà giảng sai, như: Việt-Hán thông thoại tự-vị của Đỗ Văn Đáp, Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, Hán Việt tự điển của Thiều Chửu, Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng. Phải đợi đến cuối thế kỷ 20, đầu 21 mới có những quyển từ điển giảng lại cho đúng nghĩa sừ là “cuốc”: Từ điển Hán Việt - Hán ngữ cổ đại và hiện đại do Trần Văn Chánh biên soạn (1999), Từ điển Hán - Việt do Phan Văn Các chủ biên (2008).
Bạ [耙], cũng viết [杷] và đọc thành bà, mới là “bừa”. Hai chữ đồng nguyên này [耙↔ 杷] cũng chính là nguyên từ của bừa trong tiếng Việt. Quan hệ ngữ âm a « ưa/ươ trong nội bộ tiếng Việt thì vẫn còn rõ, đặc biệt là giữa tiếng Việt toàn dân với tiếng Nghệ Tĩnh: lả « lửa; lái « lưới; ná « (tre) nứa; nác « nước; náng « nướng; ngài « người... Còn trực tiếp giữ a Hán Việt với ưa/ươ (của cái gọi là “Hán Việt Việt hóa”) thì hiếm. Nhưng ngoài bà « bừa, ta cũng còn có hai trường hợp nữa. Một là chữ mạ [罵], ngoài nghĩa quen biết là “chửi mắng”, còn có một nghĩa nữa, ít được biết đến, là “tăng ích” [增益], nghĩa là “làm cho nhiều thêm” (Hán ngữ đại tự điển, Thành Đô, 1993). Với nghĩa này thì mạ đích thực là nguyên từ của mứa trong thừa mứa, bỏ mứa. Hai là chữ da [椰], có nghĩa là “[cây, quả] dừa”. Vậy thì hiển nhiên là da « dừa. Xin nhấn mạnh rằng ở đây chúng tôi chỉ so sánh về quan hệ ngữ âm, bất kể xuất xứ của cây dừa là vùng nào của trái đất.
Còn cúc [鞠] thì không dính dáng đến tên của bất cứ thứ nông cụ nào. Cúc [鞠] có nghĩa là “quả bóng bằng da”. Mathews’ Chinese - English Dictionary dịch là “a ball”, Dictionnaireclassique de la langue chinoise của F.S.Couvreur cũng dịch là “balle à jouer”. Tiếng Hán có ngữ vị từ xúc cúc [蹴鞠], có nghĩa là “đá banh”, “đá bóng”. Nếu ta vào Google và gõ hai chữ này để tìm ảnh thì sẽ thấy được một số tranh về trò đá bóng của đủ thành phần nam, phụ, lão, ấu thời xưa bên Tàu. Tiếng Việt đã dùng danh từ cúc theo ẩn dụ để chỉ cái khuy áo (nút áo) vì thời xưa người ta thường làm khuy áo hình cầu nhỏ, thường là bằng vải để cài áo. Từ cúc, ta lại có cục theo sự thay đổi từ thanh điệu 5 (dấu sắc) sang thanh điệu 6 (dấu nặng) để làm danh từ đơn vị, ban đầu chỉ những vật hình cầu không lấy gì làm to, rồi từ đó cả những vật không tròn nhưng đại khái cũng có thể nắm trọn trong một bàn tay. Sự chuyển đổi “sắc « nặng” không phải là chuyện lạ trong tiếng Việt: túng bấn « bận rộn; bưng bít « bịt bùng; cắm cúi « cặm cụi; chắn ngang « chặn đứng; chếch « chệch; chếnh choáng « chệnh choạng; cuốn «cuộn; hình dáng « hình dạng...
Cứ như trên thì chữ cúc [鞠] không liên quan gì đến cái cuốc cả. Còn cuốc là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [钁] mà âm Hán Việt là cước/cuốc (“cư phược/phọc thiết” [居縛切]), có nghĩa là “cuốc to” (đại sừ dã).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.