Chúng tôi thì nghĩ ngược lại. Trong một ngôn ngữ Môn-Khmer tiêu biểu là tiếng Khmer, vẫn còn tồn tại như ngôn ngữ quốc gia của Campuchia ngày nay thì, tương ứng với sống là từ mà Dictionnaire Vieuxkhmer-français-anglais của Saveros Pou (L’Harmattan, Avril 2015) ghi là ros và dịch là “vivre” và “to live” (tr.408). Từ ros vẫn còn “sống” cho đến ngày nay. Từ điển Khơme-Việt của Hoàng Học (NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1979) phiên âm nó là rúas (quyển 2, tr.1320) còn Từ điển Việt-Khmer của Ngô Công Lý (NXB Thông tấn, 2017) thì phiên là ruás (tr.551). Nếu muốn khẳng định ý kiến của mình thì, không kể phụ âm đầu R nS, ở đây, ít nhất Vương Lực phải có dăm ba dẫn chứng về tương quan phụ âm cuối S nNG [ŋ] để khẳng định sống cùng gốc với ros. Khó đấy!
Thực ra, sống là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở chính cái từ ghi bằng chữ [生], mà âm Hán Việt hiện hành là sinh nhưng âm chính thống là sanh, cũng đọc sánh, như đã cho trong Quảng vận (1008). Trong quyển vận thư này thì chẳng những nó thuộc vận bộ canh [庚] mà thiết âm hạ tự (chữ sau trong phần phiên thiết) của nó cũng chính là chữ canh [庚] (sở canh thiết [所庚切]). Ngoài ra, ta còn có thể thấy quan hệ ngữ âm ANH n ÔNG giữa sanh/sánh n sống trong một số trường hợp khác, như: Bộng 1 (với biến thể ngữ âm là bọng) có nghĩa là “chỗ rỗng trong lòng gỗ, hốc trong thân cây”, như bộng cây, bộng dừa... Đây là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ bánh [窉], thường đọc thành bính, có nghĩa là “hang, lỗ”. Ngọc thiên, dẫn theo Khang Hy, giảng là “huyệt dã” [穴也].
Bộng 2 có nghĩa là “một thứ nồi to” và bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ [甏], mà âm Hán Việt là bạnh, có nghĩa là một thứ bình dùng để đựng chất nước, được dịch sang tiếng Anh là “a squat jar for holding wine, sauces etc”.
Lông trong nhẹ như lông hồng là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ [翎], thường đọc thành linh, nhưng âm gốc lại là lanh vì thuộc vận bộ thanh [青], mà xanh là một điệp thức. Lanh/linh có nghĩa là “lông chim”.
Mống (trong mầm mống) và mộng (trong mọc mộng) là hai điệp thức, đều có nghĩa là “mầm mới nhú”, bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ [萌], mà âm Hán Việt là manh, có nghĩa là “mầm”.
Mống trong chết không còn một mống bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ [氓] mà âm Hán Việt là manh, có nghĩa là “dân”, là “đứa”.
Mống trong khôn sống mống chết bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ [盲] mà âm Hán Việt là manh, có nghĩa là “tối tăm, mù quáng, không hiểu biết gì”.
Mồng trong mồng một, mồng hai bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ [孟], mà âm Hán Việt là mạnh, có nghĩa là “đứng đầu, khởi đầu”. Mạnh đồng nghĩa với sơ [初], như mạnh xuân là sơ xuân, mạnh thu là sơ thu... Tiếng Việt dùng mồng để chỉ thứ tự của ngày trong một tháng cũng như tiếng Hán hiện đại dùng sơ theo nghĩa đó: sơ nhất là mồng một, sơ tam là mồng ba...
Ngồng là “thân non, mảnh và cao, như của cây cải hoặc cây thuốc lá” bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ [梗], ta quen đọc là ngạnh, có nghĩa là “cành cây, nhánh cây hoặc cuống hoa”.
Bình luận (0)