Lắt léo chữ nghĩa: Cù lần và cù lần lửa

12/01/2020 06:00 GMT+7

Cù lần là gì? Đây là một cấu trúc đẳng lập mà nghĩa của cù đã được nói rõ trên Thanh Niên ngày 5.1.

Đó là một hình vị tiếng Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [扏], xưa viết là [㧨], mà âm Hán Việt là cừu, có nghĩa là “trì hoãn, chậm chạp; từ từ; chậm trễ; nhàn nhã”. Cù là “kéo qua lại luôn”, như đã giảng trong Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức, giúp ta liên tưởng đến hiện tượng “dây dưa; không dứt”.
Còn lần thì thế nào? Đây là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [遴], mà âm Hán Việt là lận, có nghĩa là “lựa chọn cẩn thận”. Theo diễn tiến thanh điệu trong lĩnh vực Hán Việt thì, nói chung, những âm tiết Hán Việt có phụ âm đầu L, nay mang thanh điệu 6 thì xưa vốn có thanh điệu 2, như: - lề trong lề thói xưa hơn lệ [例] trong tục lệ; - liều trong liều thuốc xưa hơn liệu [料] trong dược liệu; - loàn trong lăng loàn xưa hơn loạn [亂] trong loạn lạc; - lồ trong lõa lồ xưa hơn lộ [露] trong tiết lộ; - lời trong lời lỗ xưa hơn lợi [利] trong lợi nhuận; - lường trong đo lường xưa hơn lượng [量] trong lượng sức. Nghĩa gốc của lận [遴] là “lựa chọn cẩn thận” đã đưa đến nghĩa phái sinh của lần trong tiếng Việt mà Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức giảng là “dần, tiến từng chút”.
Cứ như trên thì trong cù lần, cả cù lẫn lần đều là những từ Việt gốc Hán. Sự phối hợp về nghĩa của cù và lần đã tạo ra cái nghĩa của cù lần mà Từ điển từ ngữ Nam Bộ của TS Huỳnh Công Tín giảng là “cù nhầy, hẹn lần, hẹn lữa mãi, hẹn hết lần này đến lần khác”, với ví dụ:
Đánh ông tơ cái trót,
Ông nhảy tót ngọn bần.
Biểu ông xe mối chỉ,
Ông nói cù lần, không chịu xe.
(Ca dao)
Qua đó ta thấy được nghĩa gốc của cù là “kéo qua lại luôn (dây dưa; không dứt)”, cũng như nghĩa gốc của lần là “dần, tiến từng chút”. Từ đây ta mới có nghĩa phái sinh của cù lần mà cũng quyển từ điển này giảng là “chậm chạp, ngù ngờ, khù khờ, quê mùa, dốt nát”. Ngày nay, nghĩa gốc của cù lần ít được dùng, còn nghĩa phái sinh của nó lại thông dụng trong khẩu ngữ của phương ngữ Nam bộ. Lại một lần phái sinh nữa và lần này ta có thêm tên của một loài động vật chỉ vì sự hiền lành và sự chậm chạp của nó. Đó là con cù lần, vốn có tên là cu li.
Còn cù lần lửa là gì? Ba tiếng này không chỉ con vật nào cả, mà lại chỉ tính cách của con người. Đây là một lối nói thuộc khẩu ngữ của phương ngữ Nam bộ, trong đó từ lửa đứng sau cũng có vai trò nhấn mạnh mức độ cao, gần giống như từ siêu - nhưng có lẽ chưa bằng - đứng trước trong những cấu trúc “bình dân” như: siêu giàu, siêu mỏng, siêu rẻ, siêu sạch, siêu to... Vậy cù lần lửa là cù lần dữ tợn, cù lần ghê gớm, cù lần dễ sợ...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.