Cù là một hình vị tiếng Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [扏], xưa viết là [㧨], mà âm Hán Việt là cừu vì thiết âm của nó là cự cưu thiết [巨鳩µ切]. C[ự]+[c]ưu = cừu (không phải “cưu” vì thiết âm thượng tự thuộc bậc trầm). Cừu [扏] có nghĩa là trì hoãn, được dịch sang tiếng Anh một cách chi tiết là “slow; gradual; tardy; leisurely, to delay; to put off; to defer” (chậm chạp; từ từ; chậm trễ; nhàn nhã; trì hoãn; làm cho chậm lại). Trong Quảng vận, đây là một chữ thuộc vận mục vưu [尤], tức vận ƯU mà một số chữ đã chuyển đọc theo vận U, như du [油] là dầu, phù [浮?] là nổi, tù [酋] trong tù trưởng, thu [秋] là mùa thu, trù [籌] là que, thẻ tre... Vậy chẳng có gì lạ nếu:
- cừu [扏,㧨], trì hoãn ↔ cù trong cù nhầy.
Cứ như trên thì cù là một từ cổ, ít nhất cũng là một hình vị chứ dứt khoát không phải là một âm tiết vô nghĩa. Cù là “kéo qua lại luôn”, như đã giảng trong Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức, giúp ta liên tưởng đến hiện tượng “dây dưa; không dứt”. Nhầy cũng là một từ (hoặc hình vị) cổ gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [捱] (với một số dị thể tự), mà âm Hán Việt là nhai, có nghĩa là kéo dài ra. Dictionnaire classique de la langue chinoise của F.S.Couvreur giảng là “remettre à plus tard”, nghĩa là “để lại [giải quyết, xử lý, thực hiện...] sau”. Phương ngữ Nam bộ có ngữ vị từ nói nhây, có nghĩa là nói dai. Nhây ở đây chính là điệp thức của nhai. Nhây còn có một điệp thức tiền kỳ: Đó chính là nhầy trong cù nhầy. Tương quan ngữ âm AI ↔ ÂY giữa nhai và nhây còn có thể thấy qua một số trường hợp khác:
- bài [排], hàng lối ↔ bầy trong bầy gà, bầy vịt;
- cai [荄], rễ cây ↔ cây (chuyển nghĩa theo hoán dụ) trong cây cối;
- mai [霾], bụi bay mù mịt ↔ mây trong gió mây;
- ngai [呆], ngu dốt, đần độn ↔ ngây trong ngây thơ (cũng là điệp thức ngược của si ngai [癡呆]). Chú ý: Chữ [呆] vốn đọc là bảo nhưng về sau cũng dùng thay cho chữ ngai [獃];
- quải [挂], treo, máng ↔ quẩy trong “Một gánh càn khôn quẩy tếch ngàn” (Trần Khánh Dư);
- quái [詿], sai trái, khinh nhờn ↔ quấy trong sai quấy;
- sái [曬,晒], phơi nắng ↔ sấy trong sấy khô.
Cứ như trên thì trong cù nhầy, cả cù lẫn nhầy đều là những yếu tố có nghĩa và cù nhầy có nghĩa là “cố ý kéo dài thời gian, dây dưa lằng nhằng, không thực hiện việc mình phải làm đối với người khác”, như đã giảng trong Từ điển tiếng Việt 2008 của Trung tâm Từ điển học do Hoàng Phê chủ biên.
Với bài ngắn ngủi này, chúng tôi muốn nhắc lại quan điểm của cá nhân là: Ngoại trừ những âm tiết dùng để phiên âm thì trong tiếng Việt, mọi âm tiết đều có nghĩa, kể cả những âm tiết bị gọi là tiếng đệm và âm tiết bị xem là yếu tố láy trong cái gọi là “từ láy”. Trong hiện trạng của tiếng Việt, những âm tiết “không có nghĩa” chẳng qua là những từ hoặc hình vị cổ xưa mà việc truy tìm ngữ nghĩa thuộc về trách nhiệm của các nhà Việt ngữ học, đặc biệt là các nhà từ nguyên học của tương lai.
Bình luận (0)