Lắt léo chữ nghĩa: Có một chữ sắc có nghĩa là 'sâu'

15/12/2019 06:24 GMT+7

Đó là chữ sắc trong sâu sắc. Câu 2.007 trong Truyện Kiều của Nguyễn Du là: Người đâu sâu sắc nước đời.

Đây là lời của Kiều nhận xét về sự thâm hiểm của Hoạn Thư và hai tiếng sâu sắc được giảng ngắn gọn là “sâu và sắc” như trong Việt Nam tự điển của Khai trí Tiến đức hoặc “sâu và sắc bén” như trong bộ từ điển cùng tên của Lê Văn Đức. Còn chúng tôi thì cho rằng rất có thể sâu sắc là một cấu trúc gồm hai từ đồng nghĩa. Nói cho rõ ra thì, ở đây, sắc cũng có nghĩa là “sâu”.
Thật vậy, với nghĩa “sâu” thì sắc là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [測], mà âm Hán Việt hiện hành là trắc (như đã cho trong hầu hết những quyển từ điển Hán Việt) nhưng âm xưa của nó lại là sức vì thiết âm của nó là “sơ lực thiết” [初力切]. S[ơ]+[l]ực = sức (Chứ không phải “sực” vì thiết âm thượng tự thuộc bậc phù). Rồi theo diễn tiến ngữ âm từ ƯNG/ƯC sang ĂNG/ĂC, sức → (đã chuyển thành) sắc, cũng như đực [特] → đặc, mực [墨] → mặc, cưng [矜] → căng, khứng [肯]→ khẳng, thừng [繩] → thằng... Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993) giảng sức/sắc [測] là “thâm” [深], nghĩa là “sâu” (nghĩa 2). Chúng tôi cho rằng đây mới là từ sắc trong sâu sắc. Chẳng qua vì không còn biết đến cả cái từ sắc này lẫn nghĩa của nó nên người ta mới giảng rằng sâu sắc là “sâu và sắc bén”. Từ điển tiếng Việt 2008 của Trung tâm từ điển học do Hoàng Phê chủ biên không nhắc đến nét nghĩa “sắc bén” khi giảng hai tiếng sâu sắc: “1. Có tính chất đi vào chiều sâu, vào những vấn đề thuộc bản chất, có ý nghĩa nhất […] 2. Có tính chất cơ bản, có ý nghĩa quan trọng và lâu dài […] 3. [tình cảm] Rất sâu trong lòng, không thể nào phai nhạt”.
Rồi chữ sắc [測] lại chuyển âm một lần nữa thành trắc theo diễn tiến S → TR. Đây là một quá trình chuyển biến ngữ âm tự nhiên, chứ không phải do loại suy từ âm trắc của chữ [側] (chữ này thuộc thanh mẫu trang [莊]). Kiểu loại suy này chỉ dễ dàng xảy ra ở thời nay chứ ở thời xưa thì chắc là hiếm có. Âm trắc của chữ [測] bộ thủy [氵] đã có cách đây 368 năm trong Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum của A.de Rhodes, in ở Roma năm 1651. Quyển từ điển này đã ghi nhận: “trác ảnh: relojo do sol; horologium solare”. Cả tiếng Bồ Đào Nha “relojo do sol” lẫn tiếng La tinh “horologium solare” đều có nghĩa là “đồng hồ mặt trời” và đây chính là nghĩa của hai chữ trắc ảnh [測影]. Trắc ảnh, hiểu một cách nôm na là “đo bóng”. Chỉ có một điều cần chú ý là thay vì “ă” thì, ở đây, A.de Rhodes lại ghi bằng “a”. Lỗi ngữ âm - chính tả là chuyện bình thường trong quyển từ điển này.
Xin nhắc lại rằng đây là một quá trình chuyển biến ngữ âm tự nhiên, chứ không phải do loại suy từ âm trắc của chữ [側]. Sau khi khảo sát những chữ Hán thuộc thanh mẫu sơ [初] và thanh mẫu sùng [崇], Nguyễn Tài Cẩn đã khẳng định: “Trong hai thanh mẫu này cũng có một bộ phận nhỏ chuyển thành TR” (Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt (NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1979, tr. 201). Sắc [測] → trắc chính là một trong những trường hợp của bộ phận nhỏ này vậy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.