Tự chặt đứt một ngón tay để khỏi làm ruộng theo ý muốn của cha nên ông có biệt danh là Ba Cụt. Nhưng đâu là nguồn gốc của từ cụt?
Cụt là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [屈] mà âm Hán Việt thông dụng hiện hành là khuất, có hai nghĩa hữu quan là: - vô vĩ [无尾], không có đuôi và - đoản [短], ngắn như đã cho trong Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993). Thực ra chữ [屈] này còn có một âm nữa (hoặc vốn đọc) là quật, nên mới hài thanh cho chữ quật [掘] trong khai quật, mà Thuyết văn giải tự phân tích là [从手,屈聲], thuộc bộ thủ [手], đọc như [屈]. Rồi chính chữ quật [掘] này lại thông với khuất [屈] và có nghĩa là “kiệt, tận” [通屈 - 竭,尽], nghĩa là “hết, không còn gì”, như đã cho trong Hán ngữ đại tự điển. Cứ như trên thì ta có biểu thức:
- khuất ↔ quật ↔ cụt.
Về phụ âm đầu thì đã rõ. Còn về tương quan UÂ ↔ U giữa quật và cụt thì, tuy không nhiều nhưng ta vẫn có:
- huân [燻], xông khói ↔ hun trong hun muỗi, hun chuột;
- quần [裙], váy ↔ củn, một loại váy;
- quất [走+矞], chạy thục mạng ↔ cút, bỏ chạy;
- truất [黜], bỏ đi, giảm đi ↔ trút trong trút bỏ;
- uân [氲,煴], hơi, khói bốc lên nghi ngút, dày đặc ↔ un trong đống un.
Từ trên đây suy ra, quật [掘] cũng có nghĩa là “cụt”. Nhưng cái nghĩa thông dụng, quen thuộc của chữ này thì lại là “đào, bới”. Vì vậy nên chính cái từ và âm quật [掘] này tuyệt đối không liên quan gì đến tên của cái “cuốc” trong tiếng Hán văn ngôn và tiếng Trung (Quốc) hiện đại. Chỉ có riêng trong tiếng Mân Nam thì nó mới được dùng để đặt tên cho một loại cuốc, nhưng phải gắn chặt với chữ/từ [仔] đặt liền ngay sau thành [掘仔]. Âm Mân Nam của hai chữ này là kút-á, như đã cho tại trang [萌典 - 臺灣閩南語] (moedict.tw), với nghĩa “sừ đầu” [鋤頭], tức cái cuốc.
Ở đây, á [仔] là một tục tự của tiếng Mân Nam chứ không phải là biến thể phương ngữ của chẩy trong tiếng Quảng Đông hoặc zĭ (ghi theo pinyin) của tiếng Bắc Kinh. Đây là một từ phụ đi liền theo sau một tính từ hoặc động từ để tạo thành một danh ngữ, như bín-á [抿仔] là bàn chải, óe-á hoặc é-á [矮仔] là người lùn. Kút-á [掘仔] là một đặc ngữ của tiếng Mân Nam mà tiếng Tiều (Triều Châu) không có, nên tuyệt đối không thể đem gug8 là âm Triều Châu của chữ [掘] vào đây mà đọc để kết nối nó với từ cuốc của tiếng Việt. Cái cuốc trong tiếng Triều Châu vẫn là co5 [鋤], tương ứng với co4 của tiếng Quảng Đông và chú (pinyin) của tiếng Bắc Kinh.
Trong việc truy tầm từ nguyên của các từ Việt gốc Hán, chỉ có tiếng Hán văn ngôn với những cách đọc theo phiên thiết qua từng giai đoạn mới là căn cứ duy nhất.
Âm của các thứ tiếng Quảng Đông, Triều Châu, Phước Kiến… không có vai trò gì ở đây. Tiếng Việt có những từ gốc Quảng Đông hoặc Triều Châu đi vào từ vựng của nó trước tiên là ở Nam kỳ sau khi những nhóm người Hoa theo chân Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên đến Đàng Trong hồi thế kỷ 17. Nhưng đây là một hiện tượng hoàn toàn mới và số lượng những từ này chỉ là cái mủng đặt dưới chân của cái lẫm từ gốc Hán chính tông mà thôi.
Bình luận (0)