Nếu viết đúng chính tả thì Giàng mới có nghĩa là Trời, vị thần linh tối thượng trong tín ngưỡng của những dân tộc ít người ở Tây nguyên. Khái niệm Giàng, Yàng hay Yang đối với họ thường bao gồm cả Trời và những vị thần linh. Giàng tương ứng với từ Chúa trời/Thượng đế trong tiếng Phạn là ईश्वर (Izvara), trong tiếng Do Thái là אלוהים hay tiếng Indonesia là Tuhan…
Giàng còn là một họ phổ biến của những dân tộc ít người ở miền Bắc Việt Nam, đặc biệt là trong cộng đồng người H'Mông, đã được ghi nhận từ thế kỷ 19 trong các danh bạ chữ Quốc ngữ dựa vào tiếng H'Mông.
Tóm lại, cúng dàng không phải là cúng Trời. Vậy, dàng là gì?
Trong Thiên Nam ngữ lục ngoại kỷ viết bằng chữ Nôm có câu: 會𣈙仕娓誦经供養 (Hội rày sãi vãi tụng kinh cúng dàng, tr.88a). Cúng dàng có nghĩa là "dâng cúng, hiến cúng vật phẩm". Dàng chính là dưỡng (養) trong Hán ngữ, còn âm khác là dường. Nói cách khác, cúng dàng là cách nói trại của từ cúng dường (供養) mượn nguyên xi từ chữ Hán, do đó dàng không có nghĩa là Trời. Xin lưu ý chính tả giữa 2 từ dàng và Giàng.
Trong Phật giáo, cúng dường là dâng lễ vật tượng trưng lên Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng). Những lễ vật này thường là nến, nhang đèn, giường chiếu, hoa quả, thức ăn và thức uống, phướn và các đồ dùng Phật giáo trang nghiêm khác. Do chư Tăng thoát ly mọi điều kiện bên ngoài khi tu tập nên họ không thể tự chu cấp những vật dụng cần thiết cho cuộc sống, họ cần sự trợ giúp của Phật tử. Vì thế, giúp người khác tu hành là giúp người khác thành tựu, việc cúng dường như vậy là có công.
Một điều thường thấy là Phật tử dùng tiền để ủng hộ chư Tăng hoặc cúng dường trước tượng Phật. Ngày xưa, chư Tăng không nhận tiền cúng dường, sau khi Phật giáo Trung Quốc đời nhà Đường thực hiện hệ thống Thiền Lâm thì chư Tăng có thể nhận tiền. Nhật Bản gọi đó là "tịnh tài" (净财: tiền của trong sạch). Phật giáo Nguyên thủy quy định chư Tăng không được sở hữu vàng bạc, của cải quý giá, tất cả tài sản đều do Phật tử "tịnh nhân" (净人: người trong sạch) quản lý. Việc cúng tiền trước tượng Phật được gọi là "đảm Phật" (赕佛).
Chúng ta cũng có thể chắp tay lạy, quỳ hoặc đảnh lễ chư Phật và chư Tăng, đó gọi là "kính cúng dường" (敬供養). Việc thực hành ngũ giới, thập thiện, tụng kinh, niệm Phật hoặc tọa thiền, tu thiền… cũng là một loại pháp cúng dường, gọi là "hành cúng dường"
(行供養). Việc truyền bá ý nghĩa đạo Phật cho tất cả chúng sinh, giúp họ thoát khổ và đạt được hạnh phúc gọi là "pháp cúng dường" (法供養). Trong đạo Phật còn có "thân cúng dường" (身供養), chẳng hạn như "đốt ngón tay" hoặc "đốt sẹo nhẫn" trên đầu các nhà sư người Hán thời Tống đều thuộc về cúng dường thân thể. Đối với đại chúng, việc lao động giúp chùa, cống hiến cho sự nghiệp Phật pháp và chư Tăng cũng được coi là cúng dường thân thể.
Bình luận (0)