Từ điển tiếng Việt 2008 của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) do Hoàng Phê chủ biên tuy có ghi nhận nó nhưng lại giảng chấu là “[khẩu ngữ] chân chấu [nói tắt]”, rồi cho ví dụ: lưỡi liềm đã mòn hết chấu. Còn chân chấu thì được giảng là “răng của lưỡi liềm, lưỡi hái…, được giũa thành hàng nhọn và sắc, giống hình gai chân con châu chấu”. Không biết tác giả của hai mục từ trên đây có “nói theo” Huình-Tịnh Paulus Của trong Đại Nam quấc âm tự vị hay không, chứ bộ từ điển này thì có mục chơn chấu, được giảng là “vật cắt có khía, có răng, giống cái chơn con châu chấu”.
Thực ra, hai quyển từ điển trên chỉ giảng theo từ nguyên dân gian: cứ làm như chỉ có cặp chân sau (còn gọi là càng) của con châu chấu mới có chấu, chứ của con cào cào thì không. Chấu vốn là một từ độc lập và là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [爪], mà âm Hán Việt hiện hành là trảo, có nghĩa là “móng, vuốt”. Từ chấu này vẫn còn tồn tại trong phương ngữ Nam bộ với nghĩa bóng mà Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức giảng là “tai bóp giụm lại” với ví dụ: chấu hoa tai; Từ điển phương ngữ Nam Bộ do Nguyễn Văn Ái chủ biên thì giảng là “mấu, chốt” với ví dụ: cà rá bốn chấu; còn Từ điển từ ngữ Nam Bộ của TS Huỳnh Công Tín giảng là “mấu, phần lồi lên trên bề mặt thành khối gồ nhỏ” với ví dụ: Cái hột xoàn của chiếc bông này coi chừng rớt, bởi nó đã gãy hết một chấu rồi.
Trở lên là nói về ngữ nghĩa. Còn về ngữ âm thì với tương quan phụ âm đầu TR ↔ CH, ta có hàng loạt cứ liệu, mà chúng tôi đã từng nêu: - trành [掁], đụng chạm ↔ chạnh trong chạnh lòng; - trệ trong đình trệ ↔ chề trong ê chề; - truân [窀] ↔ chôn trong chôn cất...
Về AO ↔ ÂU thì ta có: - bào [匏] ↔ bầu trong bầu bí; - bảo [保] trong bảo cử ↔ bầu trong bầu cử; - tạo trong tạo lập ↔ tậu trong tậu nhà, tậu xe. Đáng chú ý là trong Việt-ngữ chánh-tả tự-vị (tái bản lần thứ I, có sửa chữa và bổ túc), Lê Ngọc Trụ cũng ghi nhận: “Chấu < trảo="" 爪,="" trong="" nữ-trang,="" mấy="" chưn="" để="" giữ="" chặt="" hột="" kim-cương:="" cà-rá="" bốn="" chấu”.="" nhưng="" cách="" ghi="" không="" có="" biện="" luận="" rành="" mạch="" này="" khiến="" người="" đọc="" nghĩ="" rằng,="" với="" biểu="" thức="" “chấu="">< trảo="" 爪”,="" thì="" trảo="" [爪]="" có="" nghĩa="" là="" “chưn="" để="" giữ="" chặt="" hột="" kim-cương="" trong="" nữ="">
Điều này hoàn toàn không đúng vì đây chỉ là nghĩa bóng phái sinh từ nghĩa gốc (móng, vuốt) của từ chấu trong tiếng Việt mà thôi. Hiện tượng này của tiếng Việt cũng giống sự chuyển nghĩa của từ griffe trong tiếng Pháp mà ngoài nghĩa gốc là “móng, vuốt”, Le Petit Robert còn giảng là “petit crochet qui maintient une pierre sur un bijou”, nghĩa là “móc nhỏ giữ chặt một viên đá trên một món đồ trang sức”, tức cái chấu.
Hiện nay, từ chấu đang tồn tại trong một ngữ vị từ khá thông dụng của khẩu ngữ ở Nam bộ là dính chấu, mà nghĩa gốc là “bị cặp/kẹp vào giữa những cái móng/vuốt của một con vật săn mồi”. Nghĩa gốc này đã tuyệt tích giang hồ nên dính chấu chỉ còn được dùng theo nghĩa bóng là “bị lừa gạt, sa bẫy, mắc mưu”, như trong ví dụ lấy của tác giả Nguyên Hùng mà Từ điển từ ngữ Nam Bộ của TS Huỳnh Công Tín đã trích: “Mấy con bồi phòng này là dân nhà quê, lên kinh thành Ánh sáng kiếm việc làm, vừa nhẹ nhàng, vừa văn minh, vớ được các ông cử nhân, tấn sĩ An Nam, dễ dầu gì các nàng buông tha. Vậy là các trạng sư, bác vật dính chấu”.
Bình luận (0)