Trong bài viết của mình, tác giả đã đặc tả một cách kỹ lưỡng và xuất sắc cái cán mai với tư cách của một người thông thạo về nông cụ, còn cá nhân chúng tôi thì thắc mắc tại sao cái sự dốt lại “chẳng khác nào cái cán mai” chứ không phải cán búa, cán rìu (dứt khoát cũng phải được làm bằng gỗ tốt, gỗ chắc), rồi tại sao nó chỉ “đặc” chứ không phải bền, không phải chắc, như cán rìu, cán búa. Tại sao lại nói dốt đặc? Câu trả lời của chúng tôi là: “Sở dĩ người ta nói dốt đặc vì đặc cũng là dốt".
Thật vậy, đặc là một hình vị Hán Việt mà chữ Hán là [𤙰], được Quảng vận giảng là “ngu đần” (độn dã [鈍也]). Dốt đặc thuộc về những trường hợp của các cấu trúc “đôi” mà thành tố sau, đồng nghĩa với thành tố trước, được dùng làm từ chỉ mức độ của tính chất mà thuật ngữ ngữ pháp gọi là absolute superlative. Từ điển thuật ngữ ngôn ngữ học đối chiếu của Cao Xuân Hạo - Hoàng Dũng dịch là cực cấp tuyệt đối; ngữ pháp Trần Trọng Kim dựa theo tiếng Pháp superlatif absolu mà gọi là tuyệt đối tối cao đẳng cấp. Thí dụ trong tiếng Việt: xanh rờn, đỏ lòm, vàng khè... Vì cái ý chỉ mức độ cực cao đã có sẵn trong từ thứ hai (rờn, lòm, khè) nên ta không thể thêm các phó từ như rất, lắm, quá… vào mà nói “rất xanh rờn”, “đỏ lòm quá”, “vàng khè lắm”. Cũng vậy, ta không thể thêm các phó từ đó vào mà nói “rất dốt đặc”, “dốt đặc lắm”, “dốt đặc quá”. Chỉ có người không/chưa biết tiếng Việt mới nói như thế mà thôi.
Trường hợp của dốt đặc lại có thêm một đặc điểm tế nhị cần nêu để phân tích. Đó là hiện tượng thành tố sau dùng để chỉ mức độ (đặc) lại đồng nghĩa với thành tố trước (dốt). Nó cũng giống như các trường hợp sau đây: bé tí, nhỏ xíu, lớn đại (phương ngữ Nam bộ), giống hệt, méo xẹo… Đây không phải là những từ tổ đẳng lập mà là những từ tổ chính phụ trong đó từ sau (tí, xíu, đại, hệt, xẹo) thêm nghĩa cho từ trước (bé, nhỏ, lớn, giống, méo) để chỉ cực cấp tuyệt đối của tính chất mà các từ này diễn đạt. Nhưng tại sao lại là dốt đặc cán mai? Hoàng Tuấn Công trả lời:
“Dân gian thường dựa trên sự quan sát các sự vật, hiện tượng xung quanh để đặt nên thành ngữ, tục ngữ. “Dốt đặc cán mai” là cách nói hình tượng, nhấn mạnh thêm của “dốt đặc”. “Đặc” chẳng khác nào cái cán mai làm bằng gỗ, tức không biết một tí gì, chỉ có dốt và dốt”.
Chúng tôi thắc mắc: “Cái cán mai làm bằng gỗ, tức không biết một tí gì, chỉ có dốt và dốt; vậy cán búa, cán rìu (cũng làm bằng gỗ tốt) thì “biết gì”chăng? Và nếu đổi cán mai từ gỗ thành sắt thì cán mai sẽ hết dốt chăng? Tại sao chỉ ghép với cán mai?” Cũng nhờ chính Hoàng Tuấn Công mà chúng ta được biết:
“Cán mai phải làm bằng gỗ và chỉ có thể làm bằng gỗ mà thôi. Vì buộc phải làm bằng gỗ nên chỉ có “cán mai” mới “đặc”, đã là “cán mai” là phải “đặc”. Còn “cán thuổng”, “cán cuốc”, “cán xẻng”… được làm bằng tre, đều rỗng ruột, không hề đặc”.
Từ thực tế này mà trong tiềm thức dân gian đã tồn tại một sự đánh giá “nông cụ đệ nhất cán” chính là cán mai: đặc cán mai. Rồi sự đan xen hình thức - mà chúng tôi đã nhiều lần nói đến - đã trộn lẫn dốt đặc với đặc cán mai thành dốt đặc cán mai, y hệt như nó đã trộn lẫn cậu ấm với ấm sứt vòi thành cậu ấm sứt vòi. Đây là một kiểu chơi chữ đã thành ngữ hóa chứ ai mà biết “vòi” của cậu ấm có bị sứt mẻ gì không. Và nếu thay gỗ bằng sắt thì cán mai sẽ hết dốt chăng?
Bình luận (0)