Lắt léo chữ nghĩa: Kiển hay Kiểng?

13/05/2018 06:03 GMT+7

Ở đây, chúng tôi không bàn về vụ bán đất tại Phước Kiển[g] đã rộ lên trên truyền thông từ nhiều ngày nay mà chỉ nói về… chính tả: Kiển hay là Kiểng?

Chỉ cần tìm trên Google sẽ thấy các phương tiện truyền thông đã viết “Kiển” (không có G cuối) hầu như đều trời. Nhưng rất may là cũng có một ít nguồn - rất ít - viết với G cuối.
Vậy đây là Kiển hay Kiểng? Xin trả lời ngay rằng đây là KIỂNG. Hiện nay Phước Kiểng là một xã của H.Nhà Bè, TP.HCM, thành hình từ sự sáp nhập hai xã Phước Long Đông và Long Kiểng với nhau. Trong cái tên mới này, chữ Phước là của xã Phước Long Đông còn chữ Kiểng là của xã Long Kiểng. Hai tiếng Long Kiểng, với Kiểng có G vẫn còn tồn tại trong tên của một con rạch và một chiếc cầu: rạch Long Kiểng và cầu Long Kiểng. Nói chung, hiện nay tên của con rạch và chiếc cầu này vẫn còn được viết với chữ Kiểng có G chứ chưa bị “xúc phạm” tràn lan (thành “Kiển”) như chữ Kiểng trong Phước Kiểng.
Long Kiểng là một cái tên rất xưa mà ngay ở thời của thực dân Pháp vẫn còn giữ nguyên, nghĩa là với G cuối, như có thể thấy trong Địa chí hành chính các tỉnh Nam Kỳ thời Pháp thuộc (1859 - 1954) của Nguyễn Đình Tư (NXB Tổng hợp TP.HCM, 2017):
- “Tổng Dương Hòa Hạ có 12 làng: Đức Hưng, Long Kiểng, Long Phước […]” (tr.272, 275).
- Nghị định ngày 22.2.1926 […] hợp 2 làng Long Thạnh Tây, Long Kiểng thành làng Long Kiểng tổng Dương Hòa Hạ” (tr.278).
- Tổng Dương Hòa Hạ có 6 làng: Hiệp Phước, Long Kiểng, Phước Lộc Đông […]” (tr.284).
Quyển Nam Kỳ địa hạt tổng thôn danh hiệu mục lục (San định năm Nhâm Thìn 1892, ảnh) của Tòa Thống đốc Nam kỳ do Nguyễn Đình Tư dịch và chú thích, Trần Văn Chánh hiệu đính (NXB Tổng hợp TP.HCM, 2017) ghi nhận thôn Long Kiểng thuộc tổng Dương Hòa Hạ tại trang 40 của phần chữ quốc ngữ, rồi tại trang 35b của phần chữ Hán (tức trang 171 trong sách) thì ghi [隆景村]. Chữ [景] này đã được giải thích tại trang 49: Người địa phương đọc và viết “Kiểng” thay vì “Cảnh”.
Chữ cảnh [景] này mà đọc thành kiểng là một cái lệ thông thường ở trong Nam, ít nhất là ở Nam bộ, tại đó có xã Phước Kiểng mà ta đang nói đến. Nó chính là chữ kiểng đã bị thay bằng cảnh trong sinh vật cảnh. Nhưng đây chỉ là một lối nói mang tính “khoa học kỹ thuật”, chứ trong lời nói hằng ngày thì, ngay tại TP.HCM, người ta vẫn còn nói gần như đều trời: (cây) kiểng, cá kiểng, chim kiểng, chơi kiểng, trồng kiểng… đặc biệt là lính kiểng.
Đây cũng chính là chữ kiểng trong Long Kiểng. Mà trong Phước Kiểng thì chữ KIỂNG chính là đại diện cho Long Kiểng, mà người Pháp còn biết giữ lại hình thức chính tả gốc. Vậy có lẽ nào ta lại cắt mất G mà biến nó thành chữ “Kiển” què quặt?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.