Lắt léo chữ nghĩa: Má chín là người nào?

17/11/2019 06:04 GMT+7

Má chín không phải là em của má tám hay chị của má mười theo cách gọi thân thương của miền Nam.

Hai tiếng này vốn là biệt ngữ của giới thương mại, rồi sau đó mới đi vào ngôn ngữ chung. Bạn La Quý (Q.Bình Tân, TP.HCM) cho biết trong truyện ngắn Lã Bất Vi nguyên tử, nhà văn Bình Nguyên Lộc đã nhắc đến nhân vật Má chín Dảnh; nhân vật này cũng được Vương Hồng Sển nhắc đến trong tác phẩm Sài Gòn năm xưa. Má chín có biến thể ngữ âm là mái chín, đã được Hồ Biểu Chánh sử dụng trong hai tác phẩm Cười gượng và Nợ đời, như bạn La Quý cũng đã nêu dẫn chứng trên Facebook.
Với Hồ Biểu Chánh là biến thể; với Bình Nguyên Lộc, ta có hình thức chuẩn má chín. Vậy má chín nghĩa là gì? Liên quan đến hai tiếng này, Tự vị tiếng Việt miền Nam của Vương Hồng Sển (NXB Văn hóa, 1993, tr.461) có mục:
“Mại Bản: dt., trước đây gọi “mái chín” (thời Pháp thuộc), sau đó gọi theo tiếng Việt là “mãi biện”, tức người thay mặt hãng buôn lớn để làm môi giới, giao thiệp với khách hàng. Pháp gọi là compradore, Anh gọi pidgin”. Vương Hồng Sển viết “Anh gọi pidgin” thì hoàn toàn sai vì pidgin là tên của một thứ ngôn ngữ pha trộn, không phải là danh từ thuộc lĩnh vực thương mại. Thực ra, Anh cũng gọi là comprador(e)”. Trong đoạn ngắn trên đây, Vương Hồng Sển gọi là “mái chín” nhưng tại đoạn liền ngay dưới thì ông lại gọi là “Má Chính (Dảnh)”. Tác giả của Tầm-nguyên tự-điển Việt-Nam (NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1993) là Lê Ngọc Trụ cũng rất sai khi ghi nhận hai tiếng đang xét là “má-chính”.
Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức đã ghi âm chính xác với gạch nối (má-chín) rồi giảng cũng chính xác và ngắn gọn, là “người thay mặt hãng buôn lớn để giao-thiệp với khách hàng”. Tự-điển Việt-Nam của Ban Tu thư Khai trí thì rõ hơn một chút: “Người Trung-hoa thay mặt các hãng buôn để giao dịch với khách hàng”.
Nghĩa thì như thế, nhưng xuất xứ của má chín thì từ đâu? Đây là hai tiếng mà dân Sài Gòn - Chợ Lớn, ban đầu hẳn là các nhà buôn, đã mượn từ hai tiếng má chỉn của tiếng Quảng Đông. Người Quảng Đông ghi hai tiếng này bằng hai chữ [孖展]. Đây là hai chữ mà dân Hồng Kông (người Hồng Kông nói tiếng Quảng Đông) dùng để phiên âm danh từ merchant của tiếng Anh, như Nhiêu Bỉnh Tài [饒秉才], Âu Dương Giác Á [歐陽覺亞], Chu Vô Kỵ [周無忌] đã cho biết trong Quảng châu thoại phương ngôn từ điển, với nghĩa là “thương nhân” [商人] (Thương vụ ấn thư quán, Hồng Kông, 2001, tr.142). Rồi về sau, hai tiếng má chỉn cùng với hai chữ
[孖展] còn dùng để phiên và ghi âm danh từ margin, cũng của tiếng Anh, lần này thì thông dụng hơn nhưng lại thu hẹp phạm vi sử dụng vào hoạt động tài chính để chỉ bảo chứng kim [保证金]. Cứ như trên thì hai tiếng má chín trong tiếng Việt ở miền Nam được mượn theo nghĩa trước và có nhiều phần chắc chắn là từ “Hồng Kông bên hông Chợ Lớn”, với sự chuyển biến ngữ nghĩa từ “nhà buôn” (thương nhân) thành “người môi giới”.
Tóm lại, má chín là hai tiếng mà người Việt ở miền Nam đã mượn từ hai tiếng má chỉn [孖展] của người Quảng Đông ở Chợ Lớn. Hai tiếng này thường dùng để chỉ người Hoa, đúng như đã giảng trong Tự-điển Việt-Nam của Ban Tu thư Khai trí, và hầu như không lưu hành ở miền Bắc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.