Mão là từ Hán Việt, có nguồn gốc từ 卯 (mǎo) trong Hán ngữ cổ, lần đầu được nhìn thấy trên Giáp cốt văn, sau đó là Kim văn và những cách viết khác vào thời Chiến quốc, nhìn chung chữ này có những biến đổi tự dạng theo thời kỳ. Ý nghĩa ban đầu của mão (卯) là phẫu phân (剖分), nghĩa là mổ xẻ, phân chia; nghĩa mở rộng đề cập một phương pháp hiến tế động vật vào thời Ân Thương. Theo Đường vận, Tập vận, Vận hội và Chính vận (trong Khang Hi tự điển) thì mão (卯) là âm Hán Trung cổ: 莫飽切, 音昴 (mạc bão thiết, âm mão).
Ngày nay, chi Mão (卯) là chi thứ 4 trong 12 địa chi (地支), tức Sinh tiếu (生肖) của Trung Quốc, người Việt gọi là 12 con giáp. Từ 5 giờ đến 7 giờ sáng là giờ Mão (Mão thời). Tháng Mão bắt đầu từ tiết kinh trập (khoảng ngày 5 - 6 tháng 3 dương lịch) đến trước ngày Thanh minh (5 - 6 tháng 4 dương lịch), tức vào khoảng tháng 2 âm lịch.
Mão tượng trưng cho mùa xuân, chỉ hướng đông. Trong Ngũ hành, Mão tượng trưng cho Mộc, còn Mão trong thuyết âm dương biểu thị cho Âm. Con số may mắn của Mão là 3, 6, 9; hoa may mắn là những loài thuộc chi Mã đề (Plantago), chi Loa kèn (Lilium), chi Fittonia và chi Antirrhinum - Trung Quốc gọi là Kim ngư thảo (金鱼草). Màu may mắn của Mão là xanh lam, hồng, tím, đen, xám, đỏ; màu nên tránh là nâu, trắng, vàng.
Trong tiếng Việt, mẹo là âm Hán Việt cổ, một cách đọc khác từ âm thượng cổ meu của mão (卯), thường sử dụng ở miền nam Việt Nam. Mẹo (卯) còn là âm Nôm của mão (卯), tuổi Mẹo là tuổi con mèo, năm Mão là năm Mẹo. Chi Mão trong địa chi của Trung Quốc là con thỏ (thố/兔), đã từng được ghi nhận trong chương Đạo giả (盜者) của bộ Nhật thư (日書), bộ sách thẻ trúc đời nhà Tần. Song ở Việt Nam, Thái Lan, Belarus và người Gurung ở Nepal thì Mão là con mèo; còn trong cung Hoàng đạo của Mã Lai là con nai.
Miêu là từ Hán Việt, có nguồn gốc từ chữ 猫 (māo) trong Hán ngữ, có nghĩa là con mèo. Chữ miêu (猫) xuất hiện trễ hơn chữ mão (卯), được tìm thấy trong Kinh Thi và Lễ Ký. Thành ngữ miêu khốc lão thử (猫哭老鼠) có nghĩa là mèo khóc chuột, ý nói lòng trắc ẩn giả tạo, giả vờ thông cảm; miêu thử đồng miên (猫鼠同眠) là mèo chuột cùng ngủ, hàm ý đạo tặc và cảnh sát cùng làm việc, thông đồng với nhau…
Mèo là âm Hán Việt cổ, cũng xuất phát từ âm thượng cổ meu của 猫, được ghi nhận bằng 2 chữ Nôm: 猫 và 貓, đều mượn từ Hán ngữ. Có tài liệu cho rằng trước thế kỷ thứ 10, người Việt còn sử dụng cách tính của Trung Quốc, gọi chi Mão là thố (con thỏ); về sau mới gọi là mèo, điều này có thể tìm thấy trong Sấm ký Nguyễn Bỉnh Khiêm (hay Sấm Trạng Trình) từ thế kỷ 16.
Nhìn chung, mão, mẹo, mèo là những từ xuất hiện rất sớm trong tiếng Việt, đã được ghi nhận trong Từ điển Việt - Bồ - La của Alexandre de Rhodes (1651) và Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình -Tịnh Paulus Của (1895). Từ miêu có lẽ xuất hiện trễ hơn, vì không tìm thấy trong hai từ điển này với nghĩa là mèo.
Bình luận (0)