Lắt léo chữ nghĩa: Nghĩa của một số 'yếu tố láy' (*)

19/07/2020 06:12 GMT+7

41. Na trong nết na: Na là một hình vị Hán Việt mà chữ Hán là [儺], Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng giảng là “đi đứng có ý tứ, phép tắc”. Hán điển (zdic.net) giảng là “bộ hành hữu tiết độ” [步行有節度].

42. Nỉ trong nài nỉ, năn nỉ và nỉ non: Từ điển tiếng Việt 2008 giảng nài nỉ là “nói một cách thiết tha, dai dẳng đến mức người ta khó lòng từ chối”, năn nỉ là “nói khẩn khoản để nài xin” còn nỉ non là “tỉ tê tâm tình”. Qua ba lời giảng đó, ta có thể thấy nỉ có nghĩa là “dùng lời lẽ nhẹ nhàng, thấm thía, dễ đi vào lòng người”. Khi mà nỉ có mặt trong 3 cấu trúc khác nhau với cùng một nội dung ngữ nghĩa thì đó là một hình vị (có nghĩa) chứ quyết không thể nói đó là một âm tiết láy. Năn nỉ còn có một biến thể ngữ âm (điệp thức) là nằn nì.
43. Nuột trong não nuột: Nuột là một hình vị gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ
[𢗉] mà âm Hán Việt là nột, có nghĩa là “buồn rầu”. Từ ÔT đến UÔT, ta còn có: bột [勃], thình lình, bất ngờ (như trong bột phát) « buột trong buột miệng; tốt [卒], xong, trọn, hết « tuốt trong biết tuốt (= biết hết).
44. Nga trong ngâm nga và ngân nga: Nga là một hình vị (có nghĩa) vì có mặt trong hai cấu trúc khác nhau với cùng một nội dung ngữ nghĩa. Đây là một hình vị Hán Việt mà chữ Hán là [哦].
45. Ngàng trong ngó ngàng: Ngàng là một hình vị Hán Việt, ghi bằng chữ [䀚], mà âm hiện nay là ngang, nhưng âm xưa là ngàng, có nghĩa là “đưa mắt nhìn quanh”.
46. Nhe trong nhắn nhe: Nhe là một hình vị gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [誀] mà âm Hán Việt là nhi, có nghĩa là “rủ rê, rù quến”.
47. Pha và phôi trong pha phôi, phôi pha: Pha phôi đã được Việt Nam tự điển của Khai trí Tiến đức ghi nhận. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của cũng ghi nhận pha phôi theo hình thức ngữ âm địa phương là pha phui. Vậy pha phôi là một đơn vị từ vựng đã từng thực sự tồn tại trong tiếng Việt nên mới có mặt trong Truyện Kiều - Bản Duy Minh Thị 1872: Kẻ đi muôn dặm một mình pha phôi (câu 1524). Còn phôi pha là hình thức đảo, nay đã trở nên thông dụng, của pha phôi.
Pha phôi là điệp thức của từ tổ phá phế [破廢] trong tiếng Hán. Phá trở thành pha trong tiếng Việt là chuyện hoàn toàn bình thường nếu ta nhớ rằng chính phá [破] trong xung phá
[衝破] cũng đã trở thành pha trong xông pha. Còn từ phế sang phôi (Ê > ÔI) thì ta cũng có một tiền lệ “sát sườn” là phổi trong tim phổi đến từ phế [肺] trong phế quản [肺管].
Phá phế [破廢] có nghĩa gốc là “bài trừ; bãi bỏ”. Đi vào tiếng Việt thì điệp thức đảo của nó là phôi pha mang nghĩa bóng và được Từ điển tiếng Việt 2008 giảng là “phai nhạt, mất dần vẻ tươi tắn” (nghĩa 1) và “phai nhạt đi, không còn thắm thiết, mặn nồng như trước” (nghĩa 2).
Vậy cả phôi lẫn pha, không có cái nào là láy của cái nào.
48. Phơ trong phất phơ: Đây hiển nhiên là chữ phất trong phất cờ còn phơ là một hình vị gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [披], mà âm Hán Việt hiện hành là phi, có nghĩa là “mở ra”. Đây cũng chính là nghĩa của phơ trong phất phơ. An Chi
(*) Tiếp theo bài Nghĩa của một số “yếu tố láy” trên Thanh Niên chủ nhật số ra ngày 12.7.2020.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.