Lắt léo chữ nghĩa: Ngợm là con gì?

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
25/02/2023 07:51 GMT+7

Chúng ta thường nghe câu "người không ra người, ngợm không ra ngợm" hoặc "người ngợm gì kỳ cục"... Nhiều người thắc mắc không biết ngợm là gì.

Theo Từ điển tiếng Việt (NXB Đà Nẵng, 2003) do Hoàng Phê chủ biên thì ngợm là "con vật tưởng tượng, có vẻ giống người nhưng hình thù rất xấu xí" (tr.690). Có thật vậy không?

Bây giờ xin mời quý vị xem câu đối của Cao Bá Quát viết bằng chữ Nôm: 茄𥨨𠀧間沒偨沒姑沒㹥丐 (Nhà trống ba gian, một thầy, một cô, một chó cái) 學徒𠄼仃𡛤𠊛𡛤𤼔𡛤𤠂𤠆 (Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi) Xin lưu ý, Cao Bá Quát viết chữ Nôm rành rành là 𤼔 (ngợm). Như vậy nếu là con vật tưởng tượng như Hoàng Phê nhận định thì làm sao khái niệm ngợm tương ứng được với người và đười ươi - 2 khái niệm nói về sinh vật có thật?

Chúng ta biết rằng ngợm là từ xuất hiện cụ thể trong hệ thống chữ Nôm bằng 2 cách viết: 𤼔 (từ thuần Nôm) và 吟 (từ gốc Hán, đọc âm Hán Việt là ngâm, âm Nôm là ngợm). Đây là 2 chữ được ghi nhận trong quyển Giúp đọc Nôm và Hán Việt của Anthony Trần Văn Kiệm (2004), được tác giả giải thích như sau: ngợm (吟, 𤼔) là "Khỉ hơi giống như người". Chúng tôi thấy cách giải thích này có lý hơn định nghĩa trong từ điển Hoàng Phê đã dẫn ở trên.

Trong hệ thống chữ Nôm từ ngợm trong nghịch ngợm cũng được viết là 𤼔, 吟 giống như trong người ngợm. Cái từ nghịch dễ khiến chúng ta liên tưởng tới sự hiếu động, tinh nghịch của con khỉ hơn là con vật tưởng tượng nào đó theo quan điểm của Hoàng Phê. Còn người ngợm là từ ghép giữa hai đối tượng, dùng để chỉ cơ thể người nói chung: "Sao mà người ngợm dơ dáy thế?".

Trong Từ điển Việt Nam của Thanh Nghị (NXB Thời Thế, 1958), ngợm (𤼔) không còn là tinh nghịch nữa mà đã chuyển sang nghĩa tương ứng với "Espèce de sot, d'insensé" (loại ngu ngốc): "Mầy là người hay là ngợm" (tr.535). "Dở người dở ngợm" có nghĩa là người ngu dại trong Từ điển tiếng Việt của Hồ Ngọc Đức.

Tóm lại, chúng tôi ủng hộ quan điểm của Anthony Trần Văn Kiệm trong sách đã dẫn ở trên, ngợm có thể là loài khỉ hay linh trưởng nào đó, ví dụ như loài có tên khoa học là Macaca assamensis, một loài phân bố ở Nam Á và Đông Nam Á, đặc biệt là ở miền bắc Việt Nam. Trong tiếng Việt loài này có nhiều tên khác nhau như: khỉ xấu, khỉ mốc miền đông, khỉ xám, khỉ nâu; người Mán và Dao gọi là Táo binh búa; người Tày gọi là Lình Moòng, Tu càng, Căng kè, Lình kè; người Thái gọi là Lình lum, Lình quai, Tu lình mín; người Mường gọi là khỉ sấu...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.