Lắt léo chữ nghĩa: Nguồn gốc của từ ‘chè’ và ‘trà’

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
13/03/2022 07:30 GMT+7

Trong những từ điển chữ Nôm , từ chè (茶) có nghĩa là “búp hoặc lá non của một loài cây, pha nước sôi làm đồ uống” (chè tươi); “món ăn ngọt, nấu với đường, mật” (chè đậu).

Chè là từ bản địa của người Việt, xuất hiện muộn nhất cũng từ thế kỷ 17, vì đã được ghi nhận trong Từ điển Việt-Bồ-La với cả 2 nghĩa: nước chè và món chè (món ăn ngọt); song từ điển này không ghi nhận từ trà. Vậy, trà có nguồn gốc từ đâu? Xin thưa, trà là từ Hán Việt, xuất phát từ chữ trà (茶, chá) trong Hán ngữ, có thể du nhập vào tiếng Việt từ thời nhà Đường.

Cây trà có nguồn gốc ở Trung Quốc từ thời cổ đại. Nhĩ Nhã (爾雅), một bộ từ điển cổ của Trung Quốc cho biết: “có một loại lá được sử dụng vào đời nhà Chu (1046 - 256 TCN), gọi là đồ (荼)”; còn trong Kinh Thi, đồ (荼) dùng để chỉ vài loại rau đắng. Đến thời Tiền Hán (206 TCN - 9), trà được gọi là giả (檟), người ta bắt đầu dùng trà như một loại thuốc hoặc món rau trên bàn ăn. Thời Tam Quốc thì trà được gọi là thiết (蔎) và minh (茗), trà hái vào buổi chiều rất muộn gọi là suyễn (荈). Đến đời nhà Đường, trong quyển Trà Kinh (茶經), Lục Vũ (733 - 804) đã bỏ một nét ngang của chữ đồ (荼) để tạo ra chữ trà (茶) ngày nay. Do Trung Quốc có nhiều phương ngữ nên cách phát âm chữ trà (茶) khác nhau, dẫn đến từ trà được gọi khác nhau khi nó lan sang các nước láng giềng như Chăm Pa, Tân La (Silla), Srivijaya (Tam Phật Tề), và xứ Yamato phía tây Nhật Bản (TK 4 - 7) rồi phổ biến toàn thế giới với 3 nhóm phát âm chính: te, chachai.

Theo giới ngữ học, te xuất phát từ âm trong tiếng Hạ Môn thuộc phương ngữ Mân Nam, đây là âm phát sinh ra từ “tea” trong tiếng Anh, tiếng Basque, Hungari hay những hình thức tương tự như tee trong tiếng Tây Frisia, tiếng Đức; thé (Pháp); (Ý); thea (Latin), tae (Khmer)... Còn cha là từ tiếng Quảng Đông chàh, được mô phỏng thành cha hoặc char trong tiếng Anh; cha trong tiếng Nhật, Hàn Quốc và Bengali; chá trong tiếng Bồ Đào Nha; chā trong tiếng Gujarat, tiếng Ba Tư…; còn chai có thể xuất phát từ âm chay (چای) trong tiếng Ba Tư để biến thành chay (чай) trong tiếng Nga, chai trong tiếng Anh, chāy (चाय) trong tiếng Hindi… Cả hai dạng châchây đều xuất hiện trong từ điển tiếng Ba Tư. Chúng được cho là bắt nguồn từ cách phát âm chá (茶) ở miền Bắc Trung Quốc và âm trà trong tiếng Việt cũng vậy. Tuy nhiên, xin nhắc lại, chè là từ bản địa của người Việt, bởi vì xét cách phát âm các chữ có nghĩa là trà qua từng thời kỳ trong Hán ngữ kể trên, vẫn không có âm nào thật sự phù hợp với âm chè.

Hiện nay có 3 giả thuyết chính về nguồn gốc cây chè: (1) khởi thủy từ tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam Trung Quốc; (2) xuất phát từ vùng Assam Ấn Độ và (3) vùng Đông Nam Á cổ đại. Chúng tôi nghiêng về giả thuyết thứ ba, bởi vì vào thời tiền sử, khu vực cây chè không nằm theo phân vùng địa lý như hiện nay mà nằm trong khu vực Đông Nam Á rộng lớn thời cổ đại, trong đó bao gồm cả tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam Trung Quốc, vùng Assam Ấn Độ, đặc biệt là miền bắc VN - nơi có hàng ngàn cây chè, kể cả cây chè cổ thụ lớn tới 3 vòng tay người ôm. Từ chè có khả năng xuất phát từ nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer Đông, bao gồm tiếng Khmer, Pear, Ba Na, Cơ Tu và Việt, đặc biệt là từ che trong tiếng Mường cũng có nghĩa là chè (trà) trong tiếng Việt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.