Lắt léo chữ nghĩa: Cắm sừng và những từ tương ứng trong tiếng nước ngoài

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
27/02/2022 07:00 GMT+7

Trong tiếng Anh, cuckold là từ chỉ người chồng bị vợ cắm sừng mà anh ta không biết, xuất hiện lần đầu tiên trong bài thơ The Owl and the Nightingale ( Con cú và chim sơn ca ) khoảng năm 1250.

Thuật ngữ này có nguồn gốc từ chữ cucuault trong tiếng Pháp cổ - một từ bắt nguồn từ loài chim cu gáy (cuckoo), ám chỉ con mái thường có thói quen đẻ trứng vào tổ của những loài chim khác. Có nhiều giả thuyết giải thích về việc cắm sừng này, ví dụ như những câu chuyện trong thần thoại Hy Lạp, thần thoại Bắc Âu hay thần thoại Ai Cập…

Khái niệm cắm sừng xuất hiện từ nhiều thế kỷ qua, cụ thể là trong trường thi The Fall of Princes của John Lydgate hay trong kịch HamletOthello của William Shakespeare. Cuộc tình của Tristan và Iseult trong truyện kể của người Celt cũng vậy. Khoảng thế kỷ 12, truyện này được viết bằng tiếng Pháp cổ với nhan đề là Tristan en prose, tức Tristan et Iseut trong tiếng Pháp hiện nay. Đến thế kỷ 14, nhà văn Ý Giovanni Boccaccio trình làng tác phẩm The Decameron (Mười ngày) cũng cho thấy chuyện cắm sừng.

Ở Nhật Bản, vào khoảng năm 1010, yếu tố mọc sừng xuất hiện trong Truyện kể Genji (Genji monogatari) - tức Nguyên Thị vật ngữ (源氏物語), do Murasaki Shikibu viết bằng chữ kana theo thể loại monogatari.

Người Đức sử dụng từ “Hahnrei” và “Hörner aufgesetzt” để chỉ người đàn ông bị cắm sừng. Hai thuật ngữ này có thể xuất phát từ việc con gà trống thiến (Kapaun) bị cắt cựa gắn vào chỗ cái mào trên đầu (cũng đã bị cắt) để tạo thành sừng. Việc này nhằm phân biệt con thiến với tất cả những con có giới tính đầy đủ.

Vào thời Trung cổ, người Đức dùng từ “Kapaun” để chỉ những kẻ bị phản bội trong hôn nhân. Từ thế kỷ 17 trở về sau, xuất hiện nhiều biếm họa về con gà trống thiến đeo huy chương hoặc hình ảnh “người cưỡi con gà trống” (Hahnen-Reiter). Trong quyển ‘Hörner aufsetzen’ und ‘Hahnrei’ (Cắm sừng và đàn ông bị cắm sừng), chuyên gia phương ngữ Đức Hermann Dunger cho rằng thuật ngữ mọc sừng xuất phát từ gà trống và hươu - một loài động vật có sừng, song cũng còn những cách hiểu khác.

Trong tiếng Thụy Điển, từ Hanrej có nghĩa là người đàn ông bị cắm sừng. Trong nghệ thuật dân gian Thụy Điển, hình ảnh con tôm đực trên tranh tường hay trên quan tài giống như một người đàn ông có sừng hoặc đội mũ có lông cưỡi trên một con gà trống. Đôi khi từ Hanrej lại được dùng để chỉ người đàn bà bị mọc sừng, biểu trưng bằng hình ảnh con tôm cái có sừng, cưỡi trên lưng con gà trống với chiếc gương trên tay.

Ngày xưa, ở Trung Quốc, có thuật ngữ tương ứng với cắm sừng gọi là Lục mạo tử (绿帽子), người Quảng Đông gọi là Đái lục mạo (戴綠帽), tất cả đều có nghĩa là đội khăn (hay nón) màu xanh lá, ám chỉ người đàn ông có vợ ngoại tình. Điều này đã được ghi nhận trong Thất tu loại cảo (七修类稿) của Lang Anh thời nhà Minh, Nguyên điển chương (元典章) của nhà Nguyên và nhiều tài liệu khác.

Có quan điểm cho rằng từ “mọc sừng, cắm sừng” trong tiếng Việt xuất hiện từ thời Pháp, mượn từ chữ cocu hoặc cuckoo trong Pháp ngữ. Điều này có lẽ chính xác, bởi vì những chuyện liên quan đến cắm sừng trong văn chương Pháp nhiều đến nỗi những dịch giả Nhật Bản như Shigeru Kashima và Yoshizo Kawamori đều cho rằng văn học Pháp là văn học Kokyu (コキュ), tức văn học chim cu.

Khái niệm cắm sừng phổ biến rộng rãi trong nhiều nền văn hóa. Ở Ý, Brazil, Bồ Đào Nha và các quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha, “sừng” là một phép ẩn dụ cho sự không chung thủy của người vợ. Những cụm từ như “gà trống thiến”, “đội khăn màu xanh lá” chỉ là ẩn dụ tương ứng với từ cắm sừng, song không phổ biến bằng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.