Đầu tiên là chữ tùng/ tòng [从], bốn nét gồm hai chữ nhân [人] đi song song với nhau, có nghĩa là “theo, đi theo”, như trong tùy tùng. Chữ phồn thể thì viết [從].
Thứ hai là chữ tùng [丛] năm nét, gồm hai chữ nhân [人] sóng đôi, bên dưới là một nét ngang [一]. Đây là chữ tùng, có nghĩa là “tụ họp” như trong tùng thư [丛書], mà phồn thể là [叢].
Thứ ba là chữ [夶] sáu nét gồm hai chữ đại [大]. Đây là chữ tỉ, có nghĩa là “so sánh”, nay thường viết thành [比]. Chữ này vốn có phụ âm đầu B [b] và có điệp thức là bì trong so bì.
Thứ tư là chữ [竝] mười nét gồm hai chữ lập [立] đứng song song. Đây là chữ tịnh, có nghĩa là “đều, cùng, bằng nhau”.
Thứ năm là chữ [𠀤] bảy nét gồm hai chữ đại [大] đứng sóng đôi trên một nét ngang [一]. Đây cũng là chữ tịnh, là “đều, cùng, bằng nhau” nên được giảng là [同 “竝”], “đồng 竝”, nghĩa là cũng như chữ
[竝]. Có một vài người nhầm tưởng rằng tịnh [𠀤] là chữ tùng [丛] trong tùng thư nhưng chữ trước có đến bảy nét còn chữ sau chỉ có năm. Đó cũng không phải là chữ tùng [从] trong tùy tùng (chữ này chỉ có bốn nét). Đây là một sai lầm.
Nguyễn Trãi quốc âm từ điển của Trần Trọng Dương (NXB Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2014) cũng phạm một sai lầm như thế. Tại mục “cả 嘏”, tác giả viết:
“Đường vận ghi: “cổ nhã thiết” (古雅切), Tập vận, Vận hội, Chính vận ghi: “cử hạ thiết, tòng âm cả” (舉下切, 𠀤音賈)”.
Trong câu trên đây, chữ [𠀤] nhắm vào Đường vận, Tập vận, Vận hội, Chính vận mà nói [𠀤音賈] “tịnh âm cả”, nghĩa là cả bốn quyển đó “đều [𠀤] cho âm cả”. Đây là chữ tịnh [𠀤] chứ không phải tùng/ tòng [丛] hoặc tùng/ tòng [从]. Thật ra, Đường vận, Tập vận, Vận hội, Chính vận (ở trên) chính là trực tiếp trích dẫn từ Khang Hy tự điển mà trong pho tự điển này thì chữ tịnh [𠀤], thay cho chữ [竝] có một tần số rất cao nên rất thường thấy. Thí dụ:
Bài [排] Đường vận, Chính vận: “bộ hài thiết” Tập vận, Vận hội: “bồ hài thiết tịnh âm bài [𠀤音牌].
Chưởng [掌] Quảng vận: “chư lưỡng thiết”, Tập vận, Vận hội, Chính vận: “chỉ lưỡng thiết, tịnh chương thượng thanh” [𠀤章上聲].
Điệu [掉] Đường vận, Tập vận, Vân hội: “đồ điếu thiết”, Chính vận: “đỗ điếu thiết, tịnh điều khứ thanh” [𠀤調去聲].
Hai chữ tịnh [𠀤] [竝] này được xem là đồng dụng với chữ [並], cũng viết [併], [并]. Tùy theo ngữ cảnh mà chữ này còn có âm tính, như trong thôn tính [吞并], có nghĩa là “chiếm đoạt”.
Tóm lại, hai chữ đại [大] trên một nét ngang [一] là chữ tịnh chứ không phải “tùng/ tòng”.
Bình luận (0)