Tuy là quyển tự vị tiếng Việt đầu tiên, song Đại Nam quấc âm tự vị (1895) của Huình-Tịnh Paulus Của không phải là sách ghi nhận từ “cọp” sớm nhất, bởi vì từ này từng xuất hiện ở trang 14 của tập Thơ Nam kỳ, Impr. Nationale (1876) với cách viết: “cọp mắc vòng, cọp dữ” và trong Chuyện giải buồn của Quản Hạt (1886) qua “Tích cọp lạy, Cọp có nghĩa”…
Trong chữ Nôm, cả 2 từ 𤜯 và 𤝰 đều có nghĩa là cọp, do người Việt sáng tạo, thường được sử dụng ở Đàng Trong. Kể từ nửa cuối thế kỷ 19, từ cọp được ghi nhận trong nhiều sách viết bằng tiếng Việt và tiếng Pháp, đặc biệt trong Lục Vân Tiên truyện của Nguyễn Đình Chiểu: “Vào rừng cọp thấy đều quỳ lạy đưa”. Tuy nhiên, có những trường hợp từ này lại mang nghĩa khác, ví dụ: “coi hát cọp” là xem hát không tốn tiền, về sau thường được hiểu là trốn trả tiền mua vé (xem hát cọp, coi cọp). “Cọp” là từ rút gọn, biến âm của chữ accompagné trong tiếng Pháp, nghĩa là đi cùng, kèm theo (vào thời Pháp thuộc, trẻ con dưới 10 tuổi đi coi hát với cha mẹ thường không phải trả tiền vé).
Hổ là một từ gốc Hán, người Việt mượn nguyên xi chữ 虎 trong Hán ngữ để tạo ra chữ Nôm 虎 (hổ), nghĩa là con cọp. Xin lưu ý, có nhiều từ Hán Việt đọc là hổ nhưng nghĩa hoàn toàn khác. Ví dụ: hổ khẩu (虎口) không phải là miệng hổ, mà là chỗ khe giữa ngón tay cái và ngón tay trỏ; bích hổ (壁虎) và hiết hổ (蠍虎) là con thằn lằn (thạch sùng); bạo hổ (暴虎) không phải là cọp dữ, mà có nghĩa là “tay không bắt sống được cọp”; yên chi hổ (胭脂虎) là con cọp thoa phấn, dùng chỉ người đàn bà dữ như cọp; long hổ (龍虎) là rồng và cọp, chỉ người vô cùng tài giỏi, song khi nói mã hổ (馬虎) thì không có nghĩa là ngựa và cọp, mà là từ chỉ sự cẩu thả, tùy tiện. Bạch hổ (白虎) là cọp trắng, vằn đen, song còn nghĩa là hung thần, tên chòm sao bảy ngôi ở phương Tây hoặc tục xưng đàn bà không có lông ở chỗ kín; hổ kình (虎鯨) là tên gọi của một loài cá heo đen lớn (Orcinus orca). Dĩ nhiên, những từ hổ mang, hổ trâu, hổ lửa hay hổ đất, hổ hành, hổ rọ, hổ ngựa, hổ lai, hổ mày, hổ cóc… không dùng để chỉ con hổ, mà nói về những loài rắn hổ. Đây là những từ đã được ghi nhận trong La Cochinchine et ses habitants: (provinces de l’Ouest) của J.C.Baurac (1894).
Trong tiếng Việt, con cọp có những tên gọi khác như: hạm (chữ Nôm: 𤞻, 㺝) trong “ăn như hạm, tránh hùm phải hạm”. Từ “con hạm” từng xuất hiện ở trang 25 trong Chuyện giải buồn (1887) do Huình Tịnh Của sưu tầm; hầm (chữ Nôm: 唅) là âm mô phỏng tiếng gầm của cọp, về sau được dùng để chỉ con cọp, xuất hiện trong câu “Hầm mạnh phải nhè nanh” (Chuyện đánh hổ cứu cha của Edmond Nordemann (1898); hùm (chữ Nôm: 𤞻, 𧳘) được ghi trong Từ điển Taberd (1838 ) và mục Tigre (Con hùm: hùm hạm), Tigresse (Hùm cái) trong quyển Dictionnaire franco-tonkinois illustré, P.G.Vallot, Schneider (1898); kẹ (chữ Nôm: 寄, 偈, 彐) cũng là từ chỉ con cọp, có trong Giúp đọc Nôm và Hán Việt của Anthony Trần Văn Kiệm; kễnh (chữ Nôm: 脛, 獍) là từ thuộc phương ngữ Bắc, người miền núi dùng để gọi con hổ một cách kính sợ. Từ này xuất hiện trong Lý hạng ca dao (“Kễnh vác con lợn thì coi trừng trừng”); trong Xuân Hương di cảo (“Dang tay ông kễnh đập lên đầu”) và nhiều tài liệu khác; khái (chữ Nôm: 𤡚) là từ thuộc phương ngữ Bắc Trung bộ, trong mục Tigris của Từ điển Taberd (1838). Riêng câu “Lên rừng thì sợ khái, ngoài bể thì sợ cá ông voi” được ghi trong Nghệ An tỉnh khai sách - tuyển tập những bài viết chữ Nôm của chức sắc Nghệ An thời xưa.
Ngoài những tên nêu trên, người ta còn gọi con cọp là “chúa sơn lâm”, vì đây là loài mãnh thú đáng sợ nhất trong rừng, trên đầu có những vằn giống như chữ 王 (vương) trong Hán ngữ. Cách gọi “ông ba mươi” xuất phát 2 giả thuyết chính: theo lệ ngày xưa, ai bắt được cọp thì thưởng 30 quan tiền hoặc “cứ đêm ba mươi là cọp về gầm thét, dân làng tỏ lòng kính trọng cọp dùng ngay danh từ Ông Ba Mươi để gọi cọp” (trích Việt Nam truyền kỳ tập truyện - tập 1 của Toan Ánh, Quê Hương xuất bản năm 1983).
Bình luận (0)