Lắt léo chữ nghĩa: 'Tự vẫn' và những từ liên quan

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
12/12/2021 09:30 GMT+7

Hiện nay, nhiều người sử dụng từ “tự vẫn” rất vô tư. Những hành động như nhảy xuống hồ, uống thuốc diệt cỏ, ăn lá độc, nhảy cầu... để tự chết thường được gọi là “tự vẫn”, tuy nhiên đây là cách dùng từ thiếu chuẩn xác.

Có thể nói rằng việc sử dụng từ “tự vẫn” chưa chính xác phần lớn là do lỗi... từ điển. Có lẽ, nhiều người đã tra từ điển khi sử dụng từ này. Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) định nghĩa “tự vẫn” là “tự tử bằng cách tự cắt cổ”. Đây là cách giải thích chính xác, tuy nhiên từ điển này lại viết tiếp: “Như tự tử. Nhảy xuống sông tự vẫn”. Tóm lại, Hoàng Phê đánh đồng khái niệm tự vẫn giống như tự tử và việc nhảy xuống sông là hành động tự vẫn. Do đó, chẳng trách sao lại có những người viết “nhảy cầu, nhảy sông, nhảy hồ... tự vẫn” (!).

Tra cứu Từ điển tiếng Việt của Lạc Việt, ta lại thấy giải thích tự vẫn là tự sát, tự tử. Như vậy, bất cứ hành động tự tìm lấy cái chết nào cũng có thể gọi là “tự vẫn”? Xin thưa, không phải vậy, bởi vì:

Tự tử (自死) là tự giết mình, bất cứ hành động nào tự tìm đến cái chết đều có thể dùng từ “tự tử”. Tuy nhiên, xin lưu ý, còn một từ đồng âm, đồng tự với từ tự tử trong tiếng Việt nhưng có nghĩa hoàn toàn khác, đó là tự tử (嗣子), nghĩa là “con nối dõi”. Hai từ này có cách viết chữ Hán khác nhau: 自死 và 嗣子.

Tự sát (自殺) cũng là tự giết mình (nhưng thường bằng vũ khí). Đây là hành vi mà cá nhân cố ý hoặc tự nguyện dùng nhiều cách khác nhau để kết liễu cuộc sống của mình. Tự sát (自殺) đã từng xuất hiện trong quyển 7 của bộ sử Hậu Hán thư vào thế kỷ thứ 5. Trong Ngũ Đại sử bình thoại, tập 2, phần viết về triều đại nhà Đường cũng từng ghi nhận từ tự sát. Một từ khác cũng có nghĩa tương đồng là sát thân (殺身): tự giết mình.

Tự vẫn (自刎) là tự lấy dao cắt hoặc đâm vào cổ. Từ này được ghi nhận trong Chiến Quốc sách (490 - 221 TCN), phần viết về Yên sách và trong quyển 1 của Hậu Hán Thư, phần viết về lịch sử nhà Hán. Trong Tam Quốc diễn nghĩa (đệ nhất tứ hồi), có đoạn viết về cảnh Trương Phi dùng gươm tự vẫn. Trong các tiểu thuyết cổ đại của Trung Quốc, tự vẫn là hình thức tự tử phổ biến nhất, và đây cũng là cách mà các chỉ huy quân sự Trung Quốc cổ đại thường sử dụng khi họ tuyệt vọng. Trong quân đội, người Nhật tự sát bằng cách tự mổ bụng, còn người Trung Quốc tự vẫn bằng cách tự cắt cổ. Trong trường hợp tự thắt cổ chết thì gọi là tự ải (自縊) hoặc tự giảo (自絞); còn chết bằng cách thắt cổ thì gọi là ải tử (縊死), ải sát (縊殺) hoặc giảo tử (絞死). Riêng về hình phạt thắt cổ cho chết, người ta gọi là xử giảo (處絞).

Tự trầm (自沉) là tự giết mình bằng cách chìm xuống nước mà chết. Trong trường hợp chết chìm, chết đuối thì gọi là nịch tử (溺死) hay yểm tử (淹死). Như vậy, hành động nhảy sông, hồ để chết thì gọi là “tự trầm” chứ không phải “tự vẫn”.

Tóm lại, nếu tự ăn lá ngón, uống thuốc diệt cỏ để chết thì nên dùng từ tự tử; còn nhảy xuống sông, hồ để tự chết thì gọi là tự trầm. Ngoài ra, ta có thể sử dụng từ tự tận (自盡) với nghĩa giống như tự tử hoặc tự sát, vì “tận” (盡) có nghĩa là chết. Chữ tự tận (自盡) đã từng xuất hiện trong tập 2 và 4 của quyển Sơ khắc phách án kinh kỳ và Hồng Lâu Mộng (đệ tam tam hồi).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.