Lắt léo chữ nghĩa: Phải chăng 'lầu xanh' là nhà chứa gái mại dâm?

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
16/01/2022 07:15 GMT+7

Trong Truyện Kiều , Nguyễn Du viết: “Lầu xanh có mụ Tú Bà/ Làng chơi đã trở về già hết duyên” (c.809 - c.810). Lầu xanh ở đây chính là thanh lâu (青樓) trong Hán ngữ, từ này có nghĩa gốc là gì?

Ngày nay, nhắc đến lầu xanh nhiều người nghĩ rằng đó là nhà chứa gái mại dâm. Tuy nhiên theo Wikipedia, vào thời xa xưa ở Trung Quốc, lầu xanh chính là cung điện của hoàng đế hoặc dinh thự của gia đình quý tộc, đôi khi còn là tên của gia đình giàu có. Kể từ triều đại nhà Đường và nhà Tống, lầu xanh mới có nghĩa là nhà chứa.

Vào thời Xuân Thu, lầu xanh chính là những căn nhà do Tể tướng Quản Trọng lập ra đầu tiên. Trong xã hội cổ đại, nhiều thiếu nữ đến tuổi đi học bị bán cho những gia đình giàu có, họ phải giúp việc cho những gia đình này, bên cạnh đó, cũng có khá nhiều thanh niên không tìm được ý trung nhân, không lấy được vợ, thậm chí một số người đến tuổi bảy mươi vẫn còn độc thân. Thế rồi dần dần hình thành các lầu xanh, đây là nơi ở của những thiếu nữ giúp việc, nơi mà những người độc thân đến tìm ai đó để lấy làm vợ.

Đến triều đại nhà Lương (502 - 557) thì lầu xanh lại có nghĩa khác. Trong sách Nam Tề thư (南齊書), Tiêu Tử Hiển viết rằng “vua nước Tề cho sơn lầu Hưng Quang thành màu xanh nên nơi này được gọi là thanh lâu” (trích quyển 7, Đông hôn hậu bản kỷ); còn trong Tùy Viên thi thoại (隨園詩話), Viên Mai (1716 - 1797), một văn nhân tài giỏi ở Giang Nam thời nhà Thanh cũng cho biết ý tương tự, song lại phê phán: “Việc ngày nay gọi thanh lâu là kỹ viện (nhà chứa) quả thật là sai lầm, vì đây là nơi ở của hoàng đế”.

Trong Tấn thư (晉書) đời nhà Đường, thanh lâu là dinh thự của gia đình quyền quý (trích quyển 89), còn trong thơ văn của các triều đại Ngụy, Tấn và Lục triều thì lầu xanh có thể là cung điện của hoàng đế hay là nơi sinh sống của các mỹ nữ. Điều này đã được ghi nhận trong Mỹ nữ thiên (美女篇) của Tào Thực thời Tam Quốc hay Xuân nhật quan tảo triều (春日觀早朝) của Dữu Tín trong triều đại Bắc Chu.

Khái niệm thanh lâu là nhà chứa (kỹ viện) bắt nguồn từ bài Vạn sơn thái tang nhân (萬山採桑人) của Lưu Mạc thời nhà Lương: “Xướng nữ bất thăng sầu, kết thúc hạ thanh lâu” (Đào hát sầu mênh mang, thanh lâu nàng bước xuống). Từ đó nhiều văn nhân thi sĩ cũng sử dụng từ “thanh lâu” với nghĩa là nơi ở của xướng nữ hay kỹ nữ, tức con hát hay gái điếm. Dĩ nhiên đây là cách dùng từ lệch nghĩa gốc mà ta có thể tìm thấy trong nhiều tác phẩm. Ví dụ như trong Nho lâm ngoại sử (儒林外史), ở chương 30 có từ thanh lâu ám chỉ rằng đây là nhà chứa; trong bài thơ Khiển hoài (遣懷) của Đỗ Mục đời nhà Đường và trong quyển Duyệt vi thảo đường bút ký (閲微草堂筆記) của Kỷ Quân thời nhà Thanh cũng đều cho biết thanh lâu là nơi hành nghề của kỹ nữ.

Tóm lại, lầu xanh là từ tiếng Việt, dịch từ chữ 青樓 (thanh lâu) trong Hán ngữ, ban đầu dùng để chỉ nơi ngụ cư của phụ nữ; về sau nói về cung điện của vua chúa hay dinh thự của bậc quyền quý. Từ này chỉ có nghĩa là nhà chứa (kỹ viện) khởi nguồn từ bài Vạn sơn thái tang nhân của Lưu Mạc thời nhà Lương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.