Lắt léo chữ nghĩa: 'Phi thương bất phú' là cách viết sai?

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
18/02/2023 07:03 GMT+7

Vài năm gần đây, trên mạng xuất hiện những bài viết cho rằng "Phi thương bất phú" là cách viết sai, tam sao thất bản, câu chính xác phải là "Phi công bất phú". Thực hư thế nào?

Nguồn gốc của nhận định trên có lẽ xuất phát từ câu "Phi nông bất ổn, Phi công bất phú, Phi thương bất hoạt, Phi trí bất hưng", tạm hiểu là "không có nông nghiệp thì đất nước không ổn định, không có công nghiệp thì đất nước không thể giàu, không có thương mại thì xã hội không hoạt động, không có trí thức thì đất nước không hưng thịnh". Đây là câu trích từ quyển Bàn về chiến lược con người (tr.32, Viện Thông tin khoa học kỹ thuật Trung ương, NXB Sự thật, Hà Nội, 1990), là một trong những tài liệu sớm nhất cho biết câu trên. Xin lưu ý, trong sách viết rõ: "tương truyền là của Lê Quí Đôn", thế mà về sau, nhiều người viết sách, báo, thậm chí là viết bài trên mạng đều khẳng định Lê Quý Đôn là tác giả câu này, song chẳng có một dòng cho biết câu đó xuất phát từ quyển nào của Lê Quý Đôn.

Rất tiếc, chúng tôi chưa thấy tài liệu gốc nào ghi nhận câu tục ngữ trên là của Lê Quý Đôn, kể cả nguyên tác chữ Hán và bản dịch tiếng Việt. Ngày 29.11.2017, trong một bài viết trên báo Quân đội nhân dân (Việt Nam, bản Trung văn) có câu: "非农不稳,非工不盛,非商不富,非智不兴", phiên Hán Việt là "Phi nông bất ổn, Phi công bất thịnh, Phi thương bất phú, Phi trí bất hưng"; trong các buổi lễ Tịch điền vài năm gần đây ở nước ta, trên mỗi cờ phướn có một thành ngữ chữ Hán: "Phi công bất đắc"; "Phi nông bất ổn"; "Phi thương bất phú" và "Phi trí bất tiến". Xem ra, có "biến tấu" về từ ngữ tùy theo nơi, chưa kể các bài viết trên mạng đã thay đổi vị trí các thành ngữ trong "câu của Lê Quý Đôn".

Chúng tôi cho rằng nếu Lê Quý Đôn (hoặc ai đó) là tác giả của câu trên thì đây cũng là câu phát triển từ ngạn ngữ cổ đại của Trung Quốc: "无农不稳,无工不富,无商不活" (Vô nông bất ổn, vô công bất phú, vô thương bất hoạt), nghĩa là "không có nông nghiệp thì không ổn định, không có việc làm thì không thể giàu, không có buôn bán thì xã hội không hoạt động", trích Trung Quốc tục ngữ đại từ điển (bộ mới), Ôn Đoan chính chủ biên (tr.941, Thượng Hải từ thư xuất bản xã, 2011).

Mặt khác, "Phi thương bất phú" không phải là cách viết sai hoặc thuộc dạng tam sao thất bản của "Phi công bất phú" hay "Vô công bất phú", vì thành ngữ này hoàn toàn độc lập. Tuy phổ biến trong các văn bản tiếng Việt, song "Phi thương bất phú" lại có nguồn gốc từ Trung Quốc, xuất hiện trong nhiều văn bản Hán ngữ qua cách viết: 非商不富 (Fēi shāng bù fù), ví dụ trong quyển Pháp ý (法意, 1915); Nguyên phú (原富, 1931) - tập 2; Mục lục danh học (穆勒名學, 1931) của Nghiêm Phục, cả 3 quyển này đều do Thương vụ ấn thư quán xuất bản. Thành ngữ 非商不富 du nhập vào Việt Nam, được chuyển thành "Phi thương bất phú", để rồi nhiều năm sau mới thấy trong quyển Ngoại thương Việt-Nam hồi thế kỷ XVII, XVIII và đầu XIX của Thành Thế Vỹ (NXB Sử học, Hà Nội, 1961).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.