1. Trong tiếng Việt, thành ngữ an giấc ngàn thu (hay yên giấc nghìn thu) có nghĩa là chết, ví như giấc ngủ kéo dài hàng ngàn năm. Chữ thu (秋) trong thành ngữ này xuất phát từ Hán ngữ, một chữ có nhiều nghĩa, tuy trong đó có nghĩa là mùa thu trong bài Lam Giang của Nguyễn Du: Lam Giang trướng thu thủy (Sông Lam nước mùa thu dâng lên); song nghĩa chính xác ở đây là năm, ngàn thu là thiên thu (千秋), tức ngàn năm.
Trong Hán ngữ, phải mất một thời gian dài người Trung Quốc mới mô tả đầy đủ ý nghĩa của từ thiên thu (千秋) trong các ngữ cảnh khác nhau. Ngoài nghĩa ngàn năm (diễn tả một thời gian dài), thiên thu còn là uyển ngữ khi đề cập người chết hoặc dùng để chỉ lịch sử tương lai. Thiên thu còn là kính từ dùng để chúc thọ trong sinh nhật hoặc là từ nhấn mạnh một đặc điểm hay đơn giản chỉ là… thu thiên (秋千), tức cái xích đu. Về y học cổ truyền, thiên thu là biệt danh của một loại thảo dược gọi là ô đầu (乌头), tên khoa học là Aconitum sinense Paxt, thuộc họ Mao Lương (Ranunculaceae).
Xét về từ nguyên, thiên thu (千秋) là khái niệm có nguồn gốc từ bài thơ Dữ Tô Vũ (与苏武) của Lý Lăng thời nhà Hán: Gia hội nan tái ngộ, tam tải vi thiên thu (嘉会难再遇,三载为千秋). Gia hội nghĩa là "cơ hội khó gặp", câu này có thể hiểu là "Cơ hội khó gặp lại, ba năm bằng ngàn năm".
2. Hương hỏa (香火) là nhang đèn hoặc nhang nến, dùng để chỉ đồ cúng lễ, sự tế tự tổ tiên và thần Phật; hương hỏa còn có nghĩa là người đi cúng chùa, người thắp nhang đèn và làm việc lặt vặt trong chùa hoặc là từ chỉ sự hưng thịnh, linh thiêng của nơi thờ tự. Ví dụ, chùa miếu đông tín đồ đến lễ bái, người ta thường nói rằng chùa miếu đó hương hỏa sầm uất.
Trong văn chương VN, hương hỏa là từ dùng trong bài Đế Nghiêu miếu của Nguyễn Du (Hậu thân hương hỏa cánh hà vi) hay bài Bích Trì linh tự của Bùi Hướng Thành (Hương hỏa thiên thu Tô nữ phụng)… Đây là chữ có nguồn gốc từ Hán ngữ. Hương hỏa (香火) xuất hiện sớm nhất trong quyển Nghệ thuật truyện của Đan Đạo Khai, một vị tăng Trung Quốc sống vào thời Đông Tấn.
Trong Hán ngữ, hương hỏa còn là từ chỉ việc thắp nhang thề liên kết hoặc chỉ một liên minh. Thuật ngữ này còn có nghĩa là tin vào Phật giáo, liên kết thành một mối hương và lửa với nhau; hoặc dùng để chỉ phần gia tài mà tổ tiên để lại, chủ yếu cho việc thờ cúng, không được bán đi, đó có thể là ruộng, vườn, nhà, đất… (ví dụ như đất hương hỏa).
Khế ước hương hỏa là giao kèo để lại tài sản cho con cháu, người cùng huyết thống, song cũng có thể để lại cho tập thể nào đó, chẳng hạn người trong thôn xóm, làng xã, đền chùa… Khế ước hương hỏa còn được gọi là lập hậu (立後), có nghĩa là lập người thừa kế, nghĩa gốc là "sách lập hoàng hậu, xác lập hậu duệ". Điều này đã được ghi nhận trong Hiếu văn bản kỉ của bộ Sử Ký do Tư Mã Thiên viết từ năm 109 - 91 trước Công nguyên.
Bình luận (0)