Lắt léo chữ nghĩa: 'Tiểu thuyết' đã từng được hiểu theo nghĩa nào?

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
31/07/2022 07:30 GMT+7

Ngày nay, ở Việt Nam, “tiểu thuyết” được hiểu là truyện dài, tuy nhiên theo thời gian thuật ngữ này có sự biến nghĩa trong tiếng Việt và Trung Quốc .

“Tiểu thuyết” là từ Hán Việt, có nguồn gốc từ 2 chữ 小說 (giản thể:小说) trong Hán ngữ. Xét về từ nguyên, 小 (tiểu), thuộc chữ tượng hình, có nghĩa là nhỏ, được vẽ giống như những vật thể nhỏ nằm rải rác, giới nghiên cứu cho rằng đó có thể là vỏ sò hoặc đá quý, một loại tiền tệ mà người Trung Quốc cổ đại sử dụng từ cuối thời kỳ đồ đá mới cho tới thời nhà Thương.

Khởi thủy chữ 小 (tiểu) được viết theo lối Giáp cốt văn và Kim văn, lần đầu tiên được định nghĩa trong quyển Thuyết văn giải tự của Hứa Thận từ thế kỷ thứ 2; còn 說 (thuyết) có nhiều nghĩa, nghĩa ở đây là lời nói, kể, giải thích.

Ban đầu tiểu thuyết (小說) có nghĩa là chuyện vụn vặt, xuất hiện lần đầu trong thiên Ngoại Vật của Nam Hoa kinh (Sách Trang Tử): “Sức tiểu thuyết dĩ can huyện lệnh” (飾小說以干縣令). Sau đó, tiểu thuyết có nghĩa chuyện tầm phào, vô căn cứ, rồi dùng để chỉ những trước tác tạp nham. Tuy nhiên, trong bộ Lã Thị Xuân Thu thời Chiến Quốc, tiểu thuyết (小說) lại có nghĩa là điều vui thú nhỏ nhặt.

Vào thời kỳ Ngụy - Tấn (thế kỷ 3 - 4), tiểu thuyết là những tác phẩm mô tả những điều kỳ lạ, siêu linh, có tính chất mê tín dị đoan xen lẫn những chi tiết liên quan đến Phật giáo và Đạo giáo. Ở Việt Nam, vào thời nhà Trần (cuối thế kỷ 13), bộ sách Lĩnh Nam chích quái cũng đã từng ghi lại những chuyện quái dị ở đất Lĩnh Nam, cũng như một số truyền thuyết và cổ tích dân gian của nước ta.

Vào thời nhà Đường (Trung Quốc), tiểu thuyết dùng để chỉ loại văn kể cố sự, bao gồm võ thuật. Đến thời nhà Minh, Thanh, tiểu thuyết cũng dùng để kể chuyện xưa, nổi tiếng nhất là Kim Bình Mai, Tam Quốc diễn nghĩa, Thủy hử truyện, Tây du ký, Hồng Lâu Mộng.

Ở Việt Nam, vào thế kỷ 16 có Truyền kỳ mạn lục, cũng là tác phẩm ghi chép những chuyện lạ. Đến năm 1934, tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy ra đời, chuyên đăng tiểu thuyết và truyện ngắn (sáng tác và dịch), cho thấy khái niệm tiểu thuyết hiện đại hơn. Ngày nay, thuật ngữ “tiểu thuyết” ở Việt Nam dùng để chỉ truyện dài, phản ánh đời sống xã hội thông qua một cốt truyện hoàn chỉnh, mô tả môi trường và tập trung vào việc khắc họa nhân vật…

Ở Trung Quốc, trường thiên tiểu thuyết (长篇小说) nghĩa là truyện dài, có cốt truyện phức tạp và nhiều nhân vật; trung thiên tiểu thuyết (中篇小说) là truyện vừa, có độ dài tương đối; còn đoản thiên tiểu thuyết (短篇小说) là truyện ngắn, ít nhân vật, kết cấu chặt chẽ; riêng truyện cực ngắn được gọi là tiểu tiểu thuyết (小小说) hay vi hình tiểu thuyết (微型小说).

Ngày nay, tiểu thuyết không chỉ là truyện hư cấu in thành sách giấy, mà còn xuất hiện trong sách điện tử (ebook), đăng nhiều kỳ trên mạng (web fiction) hoặc nghe đọc (audiobook), ngoài ra còn có thể do nhiều người thay phiên nhau viết để thành tác phẩm gọi là tiểu thuyết hợp tác (collaborative fiction)…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.