Lắt léo chữ nghĩa: Từ 'độ' đến 'đò'

16/06/2019 06:21 GMT+7

Đò trong giả đò và đò trong chèo đò đều là những từ Việt gốc Hán, từ nào cũng bắt nguồn ở một nguyên từ có âm Hán việt là độ nhưng là hai chữ/từ độ khác nhau.

Trước nhất xin nói về chữ độ mà Hán tự là [渡]. Đây là một chữ hình thanh mà nghĩa phù là bộ thủy [氵] còn thanh phù là chữ độ [度] bộ nghiễm [广]. Độ có nghĩa gốc là “qua sông, sang sông” (nên mới thuộc bộ thủy). Với nghĩa này, tiếng Hán có danh ngữ bôi độ [杯渡], vốn dùng để chỉ một vị cao tăng thời Tống mà người đời không biết danh tính nhưng tương truyền là thường ngồi trên một chiếc chén nhỏ bằng gỗ để qua sông. Thế nên mới gọi ngài là Bôi Độ. Xét theo từng chữ thì bôi độ là “qua sông bằng chén”. Rồi về sau người ta lại đặt ra danh ngữ độ bôi [渡杯] - mà nghĩa đen là “[cái] chén dùng để qua sông” - để chỉ những vật dụng mà các nhà sư thường mang theo người để ngao du sơn thủy.
Từ nghĩa gốc này, độ mới có nghĩa là “qua sông bằng thuyền”, rồi “thuyền chở người sang sông” và “bến đỗ của những con thuyền chở người sang sông”. Chữ độ [渡] này về sau có khi cũng bị bỏ đi nghĩa phù là bộ thủy [氵] mà viết thành [度]. Với tự dạng này và nghĩa gốc đã nói (qua sông, sang sông), nó đã đi vào giáo lý nhà Phật với cái nghĩa mà Phật Quang đại từ điển (do sa môn Thích Quảng Độ dịch) giảng là “Vượt qua. Ý nói vượt qua biển lớn của sự sống chết, mê lầm ở bên này mà đến được bờ giác ngộ, giải thoát ở bên kia”.
Thực ra, với cái nghĩa này thì chữ độ [度] chỉ là một cách dịch, chuyển ngữ từ tiếng Sanskrit pāramitā (cũng có hình thức phiên âm là ba la mật đa), mà nghĩa gốc là “sang đến bờ bên kia”, nên cũng còn dịch thành đáo bỉ ngạn.
Chữ/từ độ này [渡→度] có một điệp thức là đò trong tiếng Việt, mà nếu theo lý thuyết được ưa chuộng hiện hành thì được xem là một từ “Hán Việt Việt hóa”.
Đây chính là từ đò trong chèo đò, lái đò, đò dọc, đò ngang, bến đò… (xin ghi là đò 1), đồng âm với đò trong ngữ vị từ giả đò” (xin ghi là đò 2). Trong tiếng Việt hiện đại thì hai tiếng giả đò chỉ còn được dùng phổ biến trong Nam và được Từ điển từ ngữ Nam Bộ của TS Huỳnh Công Tín (NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009) giảng là “giả vờ, làm ra vẻ bề ngoài vậy nhưng không phải thế”. Nhưng đây không phải là một đơn vị từ vựng “tự phát” của miền Nam, mà là một lối nói do lưu dân đem từ Đàng Ngoài vào. Bằng chứng là nó đã được dùng làm thành phần đối dịch trong Dictionarium Latino-Annamiticum của M.H.Ravier (Ninh Phú, 1880) tại các mục:
- Simulati-o [...] 1. Sự giả đò [...].
- Simulat-or [...] 2. Kẻ giả đò [...].
- Simul-o [...] Simulare somnum. Giả đò ngủ [...].
Nhưng đò 2 là gì? Xin thưa nó là điệp thức của chữ/từ độ [度] nguyên sơ (không dính dáng gì tới bộ thủy [氵] mà Hán-Việt tự điển của Thiều Chửu giảng là “Dáng dấp. Như thái độ.” Còn Dictionnaire classique de la langue chinoise của F.S.Couvreur thì dịch là “tenue extérieure” (dáng dấp, tư thế [bên ngoài]). Vậy đò 2 là “vẻ ngoài, dáng dấp, tư thế...”, đúng với lời giảng trong từ điển của TS Huỳnh Công Tín.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.