Cả khách lẫn chủ nhà đều bày tỏ lòng cảm thương sâu sắc rồi nhân thể, câu chuyện được “chuyển tông” sang nghề tay trái của chủ nhà.
Ông anh nói:
- Mống cụt không lụt thì bão. Mà có thấy mống dài mống ngắn gì đâu! Cũng đâu có phải chỉ tại ông trời… Nhưng còn hai tiếng lũ lụt thì nó đến từ đâu?
Sẵn trớn, ông anh giải thích:
- Tôi đồ rằng đó là chữ lũ trong hai tiếng lũ lượt. Nó cứ lũ lượt mà về, hết trận này đến trận khác, từ nơi nọ đến nơi kia, làm cho đồng bào mình người chết, nhà sập, của cải tiêu tan. Chú thấy có phải không?
Lũ trong lũ lượt là biến thể ngữ âm của chữ lữ [侶] trong bạn lữ [伴侶], có nghĩa là bạn bè. Lũ và lữ còn có một điệp thức nữa là lứa trong đôi lứa và trong câu Cùng một lứa bên trời lận đận, một câu trong Tỳ bà hành, tương truyền là do Phan Huy Vịnh dịch từ nguyên bản của Bạch Cư Dị.
Lũ trong lũ lụt thì có một nguồn gốc khác. Cũng là một từ Việt gốc Hán nhưng đây còn là một từ Hán Việt chính tông mà chữ Hán là [漊]. Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993) cho thiết âm của nó là lực chủ [力主] (= lũ), với nghĩa là “vũ bất tuyệt mạo” [雨不絕貌], nghĩa là “tình trạng mưa không dứt”.
Còn lụt cũng là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [塛] mà âm Hán Việt hiện hành là lật, có nghĩa là “tắc, nghẽn” (như trong bế tắc [閉塞]), “đầy ngập” (như trong sung tắc [充塞]). Về mặt ngữ âm thì UT là một âm rất xưa của ÂT, cũng như bút là một âm rất xưa của chữ [筆], nay lẽ ra phải đọc thành bất, cũng như bụt là một âm rất xưa của chữ [佛], nay đã đọc là phật.
Vậy lụt là một từ Hán Việt rất xưa mà từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học do Hoàng Phê chủ biên giảng là “hiện tượng nước dâng cao do mưa, lũ gây ra, làm ngập cả một vùng rộng lớn”. Lụt có một điệp thức là lút, mà cũng quyển từ điển trên giảng là “phủ ngập cả, che kín cả” (nghĩa 1). Cứ như trên, thì xét cả về quan hệ ngữ âm lẫn ngữ nghĩa, lật, lụt và lút là ba điệp thức của nhau, khác nhau ở chỗ lật là một hình vị không bao giờ được tiếng Việt dùng đến còn lụt và lút là những từ độc lập.
Xét về nguồn gốc thì lật [塛] là một chữ thuộc bộ thổ [土], không liên quan gì đến “nước” nhưng trong quá trình chuyển biến ngữ nghĩa thì dần dần đã có sự phân công: lụt mang nghĩa của lút để chỉ hiện tượng nước ngập.
Bình luận (0)