Với nhận thức của mình, các nhà chuyên môn đã liệt nó vào hàng ngũ từ láy thì, nói chung, người nói tiếng Việt khó có thể quan niệm rằng đó là một cấu trúc ghép đẳng lập mà dĩ nhiên là hai thành tố đều có nghĩa. Ấy vậy nhưng trong khéo léo thì cả khéo lẫn léo đều có nghĩa.
Khéo là một từ Việt gốc Hán và là âm xưa của chữ [巧], mà âm Hán Việt hiện hành là xảo, như trong gian xảo, kỹ xảo, xảo ngôn, xảo quyệt, xảo trá và đặc biệt là đấu xảo, hai tiếng mà hồi đầu thế kỷ 20, người VN dùng để chỉ hội chợ, triển lãm. Năm 1902, Hà Nội từng có một hội chợ triển lãm lớn tại khu đấu xảo, một quần thể kiến trúc thực sự hoành tráng, mà tòa nhà chính do kiến trúc sư người Pháp là Adolphe Bussy thiết kế. Đây thực sự là một lâu đài mà Pháp gọi là Grand Palais d’Expositions. Trong Thế chiến 2, quân Nhật lấy khu này làm trại lính nên đã bị Mỹ ném bom tàn phá, bây giờ không còn dấu tích gì ngoài hai con sư tử bằng đồng đem đặt trước rạp xiếc tại khu vực công viên Thống Nhất. Nguyễn Khuyến từng có bài thất ngôn đường luật vịnh cuộc đấu xảo này nhan đề Đấu xảo ký văn.
tin liên quan
Lắt léo chữ nghĩa: Từ hoa lê đến lưỡi lêCòn léo thì sao? Đây là một từ cổ may mắn còn được ghi nhận trong vài quyển từ điển như Dictionnaire Annamite - Français của J.F.M. Génibrel, Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức, đặc biệt phong phú về mục từ là Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của: - Léo. Ý tứ, thế thần, mưu chước. - Léo lắc (sic). Khôn khéo, ý tứ. - Đánh léo. Làm khôn khéo, làm quỷ quyệt. - Làm léo. Đi léo. Cùng nghĩa [với đánh léo] - Khôn một người một léo, Khéo một người một ý. - Lắc (sic) léo. - Tinh léo. Tính khôn quỷ, có ý lường gạt. - Ăn léo. Ăn gian, làm quỷ quyệt”.
Với những nghĩa và thí dụ trên, ta có thể thấy rằng léo cũng là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [了], mà âm Hán Việt hiện hành là liễu. Trong các nghĩa mà Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993) ghi cho chữ này thì “thông minh, hữu tài trí” (nghĩa 4) chính là cái nghĩa gốc đã đưa từ léo vào tiếng Việt, ban đầu là với tư cách vị từ tĩnh (tính từ), rồi về sau mới chuyển loại thành danh từ trong một số trường hợp cần thiết.
Bình luận (0)