Lắt léo chữ nghĩa: Vàng thật không sợ lửa

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
20/01/2024 07:46 GMT+7

Trước khi đi tìm nguồn gốc của câu "Vàng thật không sợ lửa", mời bạn đọc tìm hiểu khái niệm "vàng" có nghĩa là gì, xuất phát từ đâu?

Trong hệ thống chữ Nôm, vàng (黃) có 2 nghĩa: màu vàng và vàng (kim loại quý). Ví dụ: Ơn vua năm ngọn cờ vàng/恩𤤰𠄼𦰟旗黄 (Lý hạng ca dao); Ngàn vàng ước đổi được hay chăng/𠦳黄約対特咍庄 (Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi). Tuy nhiên, vàng (黃) không phải từ thuần Nôm, bởi vì đây là từ mượn từ chữ hoàng (黃) trong Hán ngữ.

Hoàng (黃) là từ xuất hiện trong Giáp cốt văn đời nhà Thương, nghĩa cơ bản là màu vàng, một trong năm màu thời cổ đại, tương hợp với ngũ hành và năm hướng. Hoàng còn dùng để chỉ đồ vật, động vật và thực vật có màu vàng hoặc là tên viết tắt của Hoàng đế. Xét về danh từ, hoàng (黃) còn dùng để chỉ đất (huyền hoàng: trời đất); người già (hoàng phát hay hoàng củ); trẻ con (thời nhà Đường, trẻ 3 tuổi trở xuống gọi là hoàng).

Theo GS-TS Mark J. Alves, từ vàng trong tiếng Việt có nguồn gốc từ chữ hoàng (黃) trong Hán ngữ, một chữ được phục dựng âm Hán thượng cổ là /*N-kʷˤaŋ/ (Xác định từ vựng Hán Việt sơ khai qua dữ liệu ngôn ngữ, lịch sử, khảo cổ học và dân tộc học, năm 2016). Dĩ nhiên, người Việt cổ không đọc âm hoàng (黃) theo âm Hán thượng cổ, ngay cả đến thế kỷ 1 - 2 (giai đoạn tiền Việt - Mường trong ngôn ngữ học), người Việt vẫn chưa phát âm là "vàng" do trong thời kỳ này tiếng Việt chưa có thanh điệu. Đến thế kỷ thứ 6, theo nhà ngôn ngữ học A.G. Haudricourt (Pháp), tiếng Việt mới bắt đầu có 3 thanh điệu (ngang, huyền, sắc), lúc này mới có khả năng xuất hiện âm "vàng", đọc chệch âm huáng (黃) của người Hán, với thanh điệu là dấu huyền (\), tức thanh bình bậc trầm (trầm bình hay dương bình). Thế rồi, đến thế kỷ 17, tiếng Việt mới xuất hiện đủ 6 thanh, người Việt phiên Hán Việt hoàng (黃) là dựa vào thiết âm: (h(ồ) + (q)uang), đọc là "hoàng" (Khang Hi tự điển).

Ngoài từ hoàng (黃), còn có từ Hán Việt khác đọc là kim (金), cũng có nghĩa là "vàng" (kim loại), một từ xuất hiện trong câu Chân kim bất phạ hỏa luyện (真金不怕火) của Trung Quốc - về sau rút gọn thành tục ngữ Chân kim bất phạ hỏa (真金不怕火), người Việt dịch thành "Vàng thật không sợ lửa". Câu này có nghĩa là cái gì đúng thì có thể chịu đựng được thử thách, phép ẩn dụ nói về "người có nhân cách tốt, ý chí kiên cường thì có thể vượt qua mọi thử thách". Đây là câu xuất phát từ chương 115 trong tiểu thuyết Diễm dương thiên (阳天) của Hạo Nhiên - nhà văn nổi tiếng của Trung Quốc: "Mây đen không che được mặt trời, vàng thật không sợ lửa". (Ô vân già bất trụ thái dương, Chân kim bất phạ hỏa luyện/云遮不住太阳, 真金不怕火).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.