Lắt léo chữ nghĩa: Về vấn đề kỵ húy

14/11/2021 06:15 GMT+7

Trên tuần báo Giác Ngộ số 1123 (15.10.2021), chúng tôi có bài Tên húy chính xác của Lễ Thành Hầu là Cánh (tr.43-45).

Ngoài phần chính là chứng minh chữ Cánh mới là tên húy chính xác của Nguyễn Hữu Cảnh, chúng tôi có nói rằng Kiểng là một cách dân Đàng Trong tự động kỵ húy hoàng tử Cảnh, còn Kiếng là hình thức dân gian kỵ húy của Nguyễn Hữu Cảnh.

Trên trang Facebook của mình ngày 18.10.2021, nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Vũ đã khẳng định: “Một số nhân danh, địa danh ở miền Nam được cho là do kỵ húy mà đọc trại thành như vậy, thực ra đó chính là âm gốc, về sau theo trào lưu, nhiều âm đọc đã được các nhà Nho đọc theo âm đời Minh, chính là âm Hán Việt ngày nay (dĩ nhiên trong âm Hán Việt ngày nay vẫn còn bảo lưu một số ít âm đối ứng với âm thời Tùy Đường, như ĐỊA trong “thiên địa”, NGHĨA trong “nghĩa tình” …).

Liên quan đến chữ nghĩa, trên trang nhà Facebook của chúng tôi, ngày 20.10, bạn Đỗ Công Minh có bình luận: “Cho nên NGÃI trong NHƠN NGÃI chắc cũng không phải là do kỵ húy vị chúa Nguyễn nào”. Xin trả lời bạn ngay: “Kiêng âm tên thụy: Hoằng Nghĩa vương: kiêng chữ thứ hai: Nghĩa đọc chệch thành Ngãi. Âm này được sử dụng rộng rãi, bền vững đến nay. Địa danh Quảng Nghĩa đọc là Quảng Ngãi. Các âm Hán đã Việt hóa cũng đọc là Ngãi: ân nghĩa → ơn ngãi, tình nghĩa → tình ngãi ...” (Ngô Đức Thọ, Nghiên cứu chữ húy Việt Nam qua các triều đại, NXB Văn hóa, 1997, tr.122).

Bây giờ, xin trao đổi với nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Vũ. Bạn viết: “Một số nhân danh, địa danh ở miền Nam được cho là do kỵ húy mà đọc trại thành như vậy, thực ra đó chính là âm gốc […]. Như chúng ta đã biết, trong phương ngữ Nam bộ còn bảo lưu nhiều âm cổ Hán Việt, vần YÊNG trong vận mẫu CANH 庚 chính là một trường hợp điển hình”.

Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với bạn (đây là một phát hiện quan trọng) nhưng cho rằng nên phân biệt hai loại: âm gốc thuần túy với âm gốc dùng làm âm kỵ húy vì nếu chỉ nói chung chung “không phải là do kiêng húy” thì lại là phiến diện. Xin nêu một dẫn chứng, cũng từ sách của Ngô Đức Thọ, mà lại ở miền Bắc nữa. Nói về việc “Kiêng tên húy chúa Trịnh”, liên quan đến chữ minh [明], tác giả cho biết:

“Các địa danh có chữ Minh không phải đổi, nhưng phải kiêng âm (chúng tôi nhấn mạnh - AC): Minh → Miêng.

“Sơn Minh 山明: tên huyện đọc là Sơn Miêng, nay thuộc huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây.

“Tiên Minh 先明: trước là quận Tân Minh 新明 đã đổi Tân 新 thành Tiên 先. Đến đời Trịnh Doanh lại kiêng húy âm Minh, đọc là Tiên Miêng. Nay thuộc huyện Tiên Lãng, ngoại thành Hải Phòng”.(Sđd, tr. 85)

Minh 明 là một chữ tam đẳng vốn thuộc vận mẫu CANH 庚 mà bạn Nguyễn Anh Vũ đề cập. Vào thời Trịnh Doanh (1720 - 1767) thì ở Đàng Ngoài, chữ này đã đọc là minh chứ miêng là một âm rất lạ trong khi nó vẫn thông dụng ở Đàng Trong cho đến Đại Nam quấc âm tự vị (1895 - 1896) của Huình-Tịnh Paulus Của: bất miêng, cao miêng, chứng miêng, miêng bạch, phân miêng. Ngay cả nhà Minh của Trung Quốc, người Đàng Trong cũng còn gọi là nước Đại Miêng. Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức ấn hành năm 1970 tại Sài Gòn cũng còn ghi nhận chữ miêng với nghĩa “ngay thẳng, công bình” và các thí dụ chí miêng, chứng miêng, nói cho miêng.

Miêng (Sơn Miêng, Tiên Miêng) là một trong những trường hợp dùng âm cổ Hán Việt làm âm kỵ húy. Mà lại ở miền Bắc chứ không phải ở miền Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.