Ở Việt Nam, sầu riêng là từ thường dùng để chỉ trái của cây durio zibethinus. Durio là tên chi (genus), còn zibethinus xuất phát từ tên của loài cầy hương (viverra zibetha). Người ta cho rằng sở dĩ có cái tên zibethinus vì cầy hương rất thích ăn sầu riêng (sầu riêng thường được dùng làm mồi bẫy cầy hương), hoặc trái sầu riêng có mùi cầy hương.
Sầu riêng có nguồn gốc từ Malaysia, người bản địa gọi chúng là durian, xuất phát từ chữ duri (gai) trong tiếng Malaysia kết hợp với tiếp vĩ ngữ -an. Nói cách khác, duri là trái gai (do vỏ có nhiều gai), tuy nhiên ở Việt Nam, cái tên này lại dùng cho loại trái khác: "trái gai [tức trái dứa] là trái thơm" (Phủ biên tạp lục, tập 2, Lê Quý Đôn).
Về từ nguyên, theo Từ điển Oxford, ở phương Tây, ban đầu sầu riêng được gọi là durion (trong một bản dịch năm 1588 của Juan González de Mendoza). Còn durian xuất hiện sớm nhất trong những văn bản ở châu Âu là từ Nicolo da Conti (người Ý) sau khi ông đến Đông Nam Á khoảng thế kỷ 15.
Hiện nay, sầu riêng thường được gọi theo 3 cách: (a) durian theo tiếng Malaysia (hay Indonesia), ví dụ như tiếng Anh, Pháp, Ý, Đức, Tây Ban Nha, Romania, Na Uy…; (b) durio theo tên chi (genus) của nhóm cây này, ví dụ như Bồ Đào Nha; hoặc (c) gọi theo tiếng bản địa, chẳng hạn như dáraaldin (tiếng Iceland); canuuni (Somalia); dorian (ドリアン) - Nhật Bản; thurian (ทุเรียน) - Thái Lan hay lựu liên (榴槤, liúlián) - Trung Quốc…
Ở Việt Nam, cái tên "sầu riêng" có nguồn gốc từ 2 giả thuyết:
(a) từ truyện cổ tích Sự tích trái sầu riêng, kể một chàng trai Việt sang nước Chân Lạp, mang loại trái lạ tên là tu-rên ( trong tiếng Khmer) về Việt Nam trồng. Dân làng gọi trái đó là sầu riêng.
(b) Trong bài Lịch sử trái sầu riêng của Nguyễn Công Huân đăng trong Văn-hóa Nguyệt-san (1955) cho biết từ đầu thế kỷ 19 ở Sài Gòn (thời đó gọi là Tây Cống) sầu riêng được gọi là mít gai. Đây là loại trái của Mã-lai, có tên là "Doerian hay Dourian"… về sau là dâu-riăng qua cách gọi của một người ngoại quốc mới học tiếng Việt, nhiều người gọi theo, cuối cùng trở thành "cái tên ngộ nghĩnh là Sầu-riêng" (tr.792).
Theo chúng tôi, Sự tích trái sầu riêng là truyện cổ tích được sáng tác sau khi đã có tên "sầu riêng" trong tiếng Việt. Giả thuyết từ bài Lịch sử trái sầu riêng có vẻ hợp lý hơn. Cách gọi sầu riêng là "mít gai" dường như ít phổ biến, cho dù trong bài đồng dao nói về trò chơi trốn tìm có hai câu mở đầu là "mít mật mít gai, mười hai thứ mít".
Ngày nay, sầu riêng được tôn vinh là "vua của các loại trái cây", một cách gọi do người Xiêm (Thái Lan ngày nay) đặt cho loại trái này. Musang King (D197) là giống sầu riêng phổ biến nhất của Malaysia, người Trung Quốc gọi là "Miêu Sơn Vương" (猫山王), thường đắt tiền hơn tất cả các loại sầu riêng khác.
Sầu riêng thường được chế biến thành nhiều loại thức ăn ngọt, hạt có thể ăn được bằng cách luộc, rang hay chiên… Ở nhiều quốc gia Đông Nam Á, chẳng hạn như Malaysia, Thái Lan và Singapore, đã có lệnh cấm mang sầu riêng (đã mở nắp) vào các khách sạn, máy bay, nhà hàng và các phương tiện giao thông công cộng khác.
Bình luận (0)