Lắt léo chữ nghĩa: Xuất xứ của 'nọc' trong 'nọc độc'

01/02/2020 08:00 GMT+7

Nọc trong nọc độc là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [蠚], mà âm Hán Việt là nhược , có nghĩa là chất độc của sâu bọ, rắn rết.

Caractères chinois - Leçons étymologiques của L.Wieger dịch là “dard venimeux” (nọc độc); còn Dictionnaire classique de la langue chinoise của F.S.Couvreur thì dịch là “piqûre d’un animal venimeux - venin” (vết đốt của một con vật có nọc độc - nọc độc). Về nghĩa thì đã hiển nhiên, còn về âm thì tương quan phụ âm đầu NH ↔ N giữa nhược và nọc còn có thể thấy qua nhiều trường hợp, trước nhất là trong các chữ hình thanh (hình thanh tự):
- nhược [若], là nếu như (ta cũng có lối nói nhược bằng), hài thanh cho nặc [匿];
- nang [囊], là túi lớn, hài thanh cho nhương [攮] trong nhiễu nhương; có một điệp thức là nong trong tiền nong mà nguyên từ là tiền nang [錢囊], có nghĩa là túi đựng tiền, ví đựng tiền, tiếng Anh là purse. Thêm một bằng chứng cụ thể để phủ định cái khái niệm gọi là “tiếng đệm” vì “tiếng đệm” thực chất là những từ cổ mà người ta - kể cả một số nhà Việt ngữ học - không còn biết được nghĩa nữa mà thôi.
- nữ [女] hài thanh cho như [如]; chữ này ([如]) còn có âm nạ, với nghĩa là “nhược” [若], tức là “nếu như” nhưng chính bản thân nó, với nghĩa “giống với” thì lại có điệp thức là trong na ná. Bản thân chữ như [如] là một hình thanh tự mà thanh phù là nữ [女] lại có điệp thức là nạ trong nạ dòng;
- nhập [入] hài thanh cho nạp [內], về sau thường viết theo bộ nhân [人] thành [内] (nhưng [內] mới là hình thức chuẩn). Chữ [內↔内] trở nên thông dụng với âm nội và với nghĩa “trong, ở trong”; còn với âm nạp thì nó dùng thay cho chữ [納] là “đem vào, đưa vào (với điệp thức nộp trong nộp phạt) và chữ [衲], có nghĩa là “vá [quần áo]”...
Trở lên là chuyện trong nội bộ cách tạo tự của chữ Hán, còn nói về quan hệ giữa âm Hán Việt với điệp thức của nó trong tiếng Việt thì ta vẫn có một số dẫn chứng, như:
- nhẫm [衽], là chiếu, đệm; có điệp thức là nệm trong chăn êm nệm ấm.
- nhu [燸], là đốt nóng, với đồng nguyên tự [鑐], là nung kim loại cho chảy ra; có điệp thức là nấu trong nung nấu.
- nhũ [乳], là vú; có điệp thức là nụ trong nụ hoa (theo ẩn dụ từ cái núm vú).
- nhuy [緌], là tua, tụi rủ xuống từ dải mũ; có điệp thức là nùi trong nùi giẻ.
- như [如] là giống; cũng có điệp thức là trong na ná như đã nói ở trên.
- nhương [儾], là noi theo có điệp thức là nương trong nương theo, với biến thể ngữ âm là nuông trong nuông chiều.
Đó là mối tương quan
NH ↔ N. Còn về vần ƯƠC ↔ OC giữa nhược nọc, tuy hiếm nhưng ta cũng có một trường hợp điển hình: chữ phược [縛] đã được Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng chuyển chú về âm phọc. Một trường hợp nữa là chữ trọc [濁] trong ô trọc thì phương ngữ Nam bộ trước kia đọc thành trược trong ô quan trược lại. Đây tuyệt đối không phải chuyện ngẫu hứng mà là chuyện tiền nhân đã căn cứ vào quy luật tương ứng ngữ âm trong lĩnh vực Hán Việt để đọc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.