Lật mánh nghề xin ăn - Bài 1: Giả mù kiếm sống

08/12/2008 00:10 GMT+7

Cuộc sống cùng cực, không nơi nương tựa... đã khiến nhiều người phải đi xin ăn. Song cũng có không ít người lợi dụng “nghề” này để kiếm tiền từ lòng trắc ẩn của người khác chỉ để không phải lao động.

Lần theo dấu vết cái bang

Cậu bé bước vào quán dẫn theo một người thanh niên mù, tới bàn chúng tôi và quỳ xuống, hai tay nâng cái mũ lưỡi trai đã nhàu nát lên ngang mặt. Bé không hề mở miệng xin tiền nhưng trên gương mặt em hằn lên sự đau khổ, thiểu não và nghèo đói đến tột cùng. Người thanh niên mù quờ quạng rồi đưa ống sáo lên môi. Tiếng sáo đứt quãng, rời rạc như than vãn với mọi người rằng, chủ nhân nó đã bị bỏ đói mấy ngày. Cám cảnh quá! Người trong quán lần lượt bỏ tiền vào mũ của 2 người. Đến 12 giờ, cặp ăn xin lếch thếch đi tới gốc cây phượng tại ngã tư Trương Công Định - Trường Chinh. Cả hai nghiêng đầu nhìn vào túi đựng “chiến lợi phẩm” và cùng bật cười thành tiếng. Đúng lúc đó, một người đàn ông chạy xe máy biển số Thanh Hóa ào đến, cặp ăn xin leo lên xe. Chiếc xe theo đường Trường Chinh về hướng cầu Tham Lương, luồn lách qua nhiều con hẻm ngoằn ngoèo rồi dừng trước ngôi nhà trọ số 20F, Quang Trung, P.12, Q.Gò Vấp, TP.HCM.

Người chạy xe là ông Lữ Trọng L., 46 tuổi, quê Quảng Thái, Quảng Xương, Thanh Hóa. Năm 2003, ông L. và vợ đến nhà 20F, Quang Trung, P.12, Q.Gò Vấp thuê 2 phòng trọ với giá 700 ngàn đồng/tháng. Ngoài vợ chồng ông L. và một đứa con gái đang ôn thi đại học, ở đây thường xuyên có 4 - 5 người, có khi 8 - 10 người. Họ cứ thoắt ẩn, thoắt hiện. Hàng xóm chưa kịp quen mặt, thì đã đi mất. Vào thời điểm chúng tôi đến tìm hiểu, gia đình ông L. chỉ còn nuôi 3 người. Hằng ngày, ông L. có nhiệm vụ chở 3 người đến Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp xin ăn. Mỗi ngày chia thành 2 ca: 5 giờ 30 đưa đi, 11 giờ 30 đón về phòng trọ ăn cơm, nghỉ trưa; 16 giờ chiều xuất phát đến 12 giờ đêm mới về. Mỗi lần ra khỏi nhà, ông L. đều nhờ vợ ra đầu hẻm quan sát kỹ rồi mới xuất phát.

Những ngày sau đó, chúng tôi quay trở lại phòng trọ của ông L. và thấy cứ khoảng 16 giờ, ông này chở đứa bé và chàng thanh niên mù đi hành nghề. Một lần theo chân, chúng tôi thấy xe đi ra đường Quang Trung (Q.Gò Vấp), khi vừa ôm cua đường Nguyễn Oanh - Phan Văn Trị, ông L. dúi cây sáo vào tay người mù. Chạy đến ngã tư Nguyễn Oanh - Nguyễn Văn Lượng, cặp xin ăn xuống xe. Như thói quen, người thanh niên mù đưa tay vịn lên vai bé trai và cả hai dắt nhau đi về đường Lê Đức Thọ, P.17, Q.Gò Vấp để xin tiền...

Họ dừng bước tại một quán nhậu bên đường. Sáp đến từng bàn, bé trai quỳ bệt xuống đất. Còn người mù huơ tay mò mẫm, đầu cúi xuống, tiếng sáo vẫn đứt quãng... và tiền hảo tâm vẫn đều đặn bỏ vào chiếc mũ lưỡi trai nhàu nát. Chỉ trong khoảng 30 phút, chúng tôi thấy cặp xin ăn kiếm được khá nhiều tiền. Khi vừa rời quán nhậu ra đường, một phụ nữ bán nước bên kia đường gọi cặp xin ăn qua và cho 10.000 đồng. Thấy chúng tôi tấp vào, chị ta tặc lưỡi: “Tội nghiệp tụi nó, ba mẹ mất sớm, đứa lớn bị mù nên phải đi ăn xin kiếm cơm qua ngày”. Chúng tôi tỏ ý nghi ngờ người thanh niên giả mù, lập tức chị ta phản ứng gay gắt: “Anh chị nói vậy là có ý gì, tôi bán ở đây lâu rồi, tôi biết”...

 

“Chàng trai mù nghèo khổ” bỗng trở nên... sáng trưng khi đối diện công an

Trong vai là người của nhóm từ thiện, chúng tôi tiếp cận cặp xin ăn. Cậu nhỏ khoảng chừng 13 tuổi, nói tên A., khuôn mặt trái xoan rất đẹp, đôi mắt sáng thông minh. Còn người thanh niên mù tên L., anh trai của A., đã ngoài 20 tuổi. Dù cái mũ vải rộng vành che kín mặt nhưng L. vẫn không giấu được khuôn mặt trắng trẻo. L. kể gia đình ở Thanh Hóa, vì bão lụt nên lúa thối, nhà đổ, cả nhà phải vào TP.HCM kiếm sống. Không may bố mẹ L. chết trong một tai nạn giao thông, còn L. làm nghề hàn sắt trong một lần sơ ý để lửa bắn vào mắt, từ đó đến nay phải sống trong cảnh mù lòa. L. kể xong lấy tay quệt nước mắt, còn A. khóc nức nở... Khóc xong, A. nhìn chúng tôi bằng cặp mắt ráo hoảnh đầy thất vọng khi cái mũ của cậu vẫn không có đồng bạc nào rơi vào.

Đưa “người mù” ra ánh sáng

Để làm rõ vấn đề, PV Thanh Niên phối hợp với Công an P.12, Q.Gò Vấp (TP.HCM) đến nơi trọ của nhóm xin ăn. Đã quá giờ trưa nhưng L., A. và ông L. vẫn đang ngủ say trong phòng trọ. Nghe tiếng gõ cửa, ông L. ngồi bật dậy, chạy ra mở và nói nhanh với cảnh sát khu vực: “Hai đứa cháu mới ghé qua đây chơi, ở mấy bữa rồi về quê nên không đăng ký tạm trú, tạm vắng...”. Nhìn vào trong, những bộ áo quần mặc đi xin ăn được treo đầy trên tường.

Nghe ông L. thông báo lên công an phường khai báo, L. (người mù) đứng phắt dậy tiến thẳng vào nhà vệ sinh rửa mặt và chưa đầy 3 phút sau đã diện xong quần jeans, áo thun xanh, giày thể thao rất hợp mốt. Trông L. lúc này điển trai, nước da trắng, tóc nhuộm màu nâu đen phủ rợp gáy, cặp mắt dài nhỏ giống như tài tử Hàn Quốc... Nghe chúng tôi khen đẹp trai, L. nở nụ cười đắc ý rồi vọt lên xe công an về trụ sở phường. Vì chưa biết bị lộ nên L. nói cười rất tự nhiên và còn... làm dáng cho chúng tôi chụp hình. Tại trụ sở công an phường, khi được hỏi vì sao lại giả mù đi xin ăn, L. chối đây đẩy và còn hùng hổ tuyên bố: “Tướng vầy mà giả mù đi xin ăn được à?”. Nhưng khi chúng tôi trưng ra những tấm ảnh chụp cả hai đang trên đường “hành tẩu” thì L. im lặng. Tuy vậy, công an cũng chỉ có thể lập biên bản cảnh cáo L. phải khai báo tạm trú tạm vắng, không được giả bệnh đi xin ăn và anh thanh niên này thề sống thề chết: “Lần sau, nếu chú còn thấy con đi xin ăn thì bắt nhốt vào tù”.

Còn ông L., theo tìm hiểu của chúng tôi, có “nghề nghiệp” chính là quản lý, đưa rước những người xin ăn. Ông L. từng bị báo chí phanh phui về mấy phi vụ chăn dắt ăn xin liên quan đến người già, trẻ em. Đó là trường hợp của ông cụ tên Tham, đã ngoài 70, mắt mù, tai lãng nhưng hằng ngày phải bò lê ngoài đường xin tiền về đưa cho ông L. Còn trường hợp nữa là một cô bé hơn 10 tuổi, ngày nào cũng phải quỳ xin tiền khiến đầu gối sưng tấy đến lở loét. Sau mấy vụ đó, ông L. vẫn bình an vô sự vì cơ quan chức năng không có chứng cứ để xử lý... Tại Công an phường, khi nghe nhắc lại vụ chăn dắt ông già mù và bắt em bé gái ăn xin quỳ sưng đầu gối, ông L. chối: “Tôi chỉ thuê phòng cho họ ở và làm xe ôm khi họ yêu cầu, họ làm gì, tôi không hề biết (?!)”.

Trung tá Nguyễn Văn Nhủ, Trưởng công an P.12 (Q.Gò Vấp) đau đầu: “Mỗi lần xử lý những vụ này, chúng tôi thường gặp những khó khăn nhất định. Việc xử lý các lỗi như: không đăng ký tạm trú, tạm vắng; không xuất trình giấy CMND thì dễ. Thực chất, chúng tôi muốn xử lý các chủ chăn dắt về vi phạm quy định sử dụng lao động vị thành niên mới đủ sức răn đe đối với họ, nhưng ngặt không có chứng cứ vì người xin ăn thường bất hợp tác với công an mà đứng về phía chủ chăn dắt...”.

(Còn tiếp)

Đàm Huy - Bảo Thiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.