Lật mở những trang sử bị giấu kín

08/06/2016 07:00 GMT+7

Lần đầu tiên bộ phim tài liệu Công binh, đêm dài Đông Dương (sản xuất năm 2012) của đạo diễn Việt kiều Lê Lâm được công chiếu ở VN vào giữa tháng này tại Trung tâm văn hóa Pháp (Hà Nội). Bộ phim hé mở những trang sử từng bị giấu kín và lãng quên về những người lính thợ VN trên đất Pháp.

Đi tìm nhân chứng sống
Năm 1939, khi nổ ra Thế chiến thứ 2, 20.000 người VN đã bị vận động và cưỡng bức sang Pháp để làm việc trong các xưởng sản xuất vũ khí. Thông tin về họ vô cùng ít ỏi. Cho đến năm 2009, nhà báo Pháp Pierre Daum ra mắt cuốn sách được coi là những tài liệu lịch sử đầu tiên công bố rộng rãi về những người lính thợ này. Trong quá trình nghiên cứu kỹ lại tư liệu, đạo diễn Lê Lâm cho biết ông phát hiện cuốn sách trên được dựa theo luận án thạc sĩ của nhà sử học Việt kiều Trần Nữ Liêm Khê. Mặc dù vậy, nhà sản xuất Pháp vẫn “mua đứt” cuốn sách của Pierre Daum để đạo diễn Lê Lâm thực hiện bộ phim.
“Những người lính thợ là nạn nhân của một hoàn cảnh đặc biệt”, đạo diễn Lê Lâm chia sẻ với Thanh Niên từ Pháp. 6 tháng sau khi 20.000 người VN sang Pháp, nước Pháp thua trận và bị Đức Quốc xã chiếm đóng. Bởi vậy, trong suốt thời kỳ 1940 - 1945, tại Pháp, các lính thợ VN lâm vào cảnh “một cổ hai tròng”, vừa bị quân đội Hitler hành hạ vì bị hiểu lầm là lính đánh thuê, vừa bị các ông chủ bù nhìn Pháp bóc lột thậm tệ. Cuộc sống của họ chẳng khác gì cu li, nô lệ. Sau khi phe Đồng minh chiến thắng, nước Pháp được giải phóng vào năm 1945, rất nhiều tư liệu bị hủy. Đó cũng là lúc VN bắt đầu cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp. Phần đông các lính thợ ủng hộ Bác Hồ nên bị chính phủ Pháp giữ lại, cấm không cho về nước. Bởi vậy, ở quê nhà gần như không ai biết số phận của những người lính thợ ra sao. Họ bị lãng quên ở cả hai bên, Pháp và VN. “Vì hoàn cảnh lịch sử phức tạp và đặc biệt nên việc thu thập các tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh, văn bản hành chính về lính thợ thời đó vô cùng khó khăn. Bởi vậy lời nói của nhân chứng sống được coi là chất liệu chủ yếu cho bộ phim. Họ mà mất đi là cả một “tảng” lịch sử sẽ biến mất”, đạo diễn Lê Lâm nói.
Cần nói thêm là do bộ phim đề cập đến trang sử đau thương xảy ra trên chính đất Pháp, nên nhiều nhà đầu tư không mấy mặn mà, nguồn tài chính tài trợ cho phim rất eo hẹp. Trong khi việc đi tìm nhân chứng phải thực hiện cấp bách vì nếu còn sống thì những người lính thợ năm xưa hầu hết đã ở tuổi 90. Do vậy, cùng với việc chờ đợi nguồn kinh phí, đạo diễn Lê Lâm đã trở về VN khảo sát, tìm hiểu thực tế, tìm nhân chứng còn sống. Ông đã đi dọc từ bắc vào nam, đến các vùng ở miền Trung, như Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, bởi đó là nơi 2/3 số người VN đã được đưa sang Pháp. “Cũng không dễ để thuyết phục họ. Phỏng vấn, thu âm để viết sách thì không có vấn đề gì nhưng khi đề nghị họ lên hình thì lại khác. Bởi số đông trong số họ từng sống ở miền Nam dưới chế độ cũ nên có sự e ngại. Một số khác trước kia hoạt động chính trị bên Pháp chống thực dân, bị mật thám Pháp theo dõi, bắt bớ nên vẫn bị ám ảnh bởi quá khứ. Những trạng thái tâm lý này tồn tại ở cả những lính thợ Việt bên Pháp và trong nước”. Nhưng khi đạo diễn đã gây được lòng tin với những người lính thợ, họ đã trò chuyện, chia sẻ với nhau như cha và con. Cùng với 10 người lính thợ tại VN, đạo diễn Lê Lâm cũng phỏng vấn 10 người lính thợ hiện còn đang sống tại Pháp.
Người ở, người về
Hầu hết các lính thợ đều mong thoát khỏi cuộc sống bị hành hạ tàn ác. Họ đoàn kết tranh đấu. Do chỉ số ít trong họ biết tiếng Pháp, còn số đông đều mù chữ (gần 90% là nông dân nghèo), bởi vậy họ dạy chữ cho nhau và truyền tai nhau về Bác Hồ, người lãnh đạo đất nước đấu tranh giành độc lập ở quê nhà. Khi Hồ Chủ tịch sang Pháp vào năm 1946 để dự Hội nghị Fontainebleau, họ đã ùa ra đón ở phi trường Le Bourget, Paris. Các lính thợ theo lời dặn của Bác đi học nghề để về giúp xây dựng đất nước. Phong trào đó phát triển cho đến khi chính phủ Pháp cho phép họ hồi hương vào năm 1952.
Đạo diễn Lê Lâm cho biết những người lính thợ hồi hương sống ở nhiều miền, phần đông đều tham gia cách mạng. “Những người sống ở miền Bắc thì khá giả hơn so với những người sống ở miền Trung, nhất là những người ở Quảng Nam, họ rất nghèo”, đạo diễn kể. Còn với những người lính thợ ở lại Pháp, phần đông lập gia đình với phụ nữ Pháp. Khoảng năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, họ gặp trở ngại khi muốn xin vào quốc tịch Pháp, con cái họ khó khăn khi xin việc vì còn giữ quốc tịch Việt của cha, nhất là những người tham gia chống thực dân đều nằm trong danh sách của cảnh sát Pháp. “Nhưng bây giờ cuộc sống của họ phần lớn đều an nhàn, con cháu thành công”, đạo diễn xác nhận.
Bộ phim Công binh, đêm dài Đông Dương được công chiếu rộng rãi tại Pháp vào năm 2013. Giới sử học Pháp đã rất ngỡ ngàng vì hầu hết chưa từng nghe về những người lính thợ này. “Tôi được Thượng nghị viện Pháp mời phát biểu trong buổi thảo luận cuối năm 2013. Mười đại biểu đặt câu hỏi lên chính quyền nhà nước để tìm hiểu tại sao chính phủ không trả lương bổng và hưu trí cho những người lính thợ khi họ đã phục vụ trong 14 năm cho chính quyền Pháp...”, đạo diễn Lê Lâm cho hay.
Đạo diễn Lê Lâm Ảnh: NSCC
Đạo diễn Lê Lâm sinh năm 1948 tại Hải Phòng. Ông sang Pháp năm 1966 và theo học Khoa Toán tại Trường Ecole Polytechnique. Sau khi kết thúc khóa học, ông tiếp tục theo học Trường Mỹ thuật Paris. Ông là Giáo sư kịch bản và đạo diễn tại Trường điện ảnh La Femis và Idhec (Paris). Năm 1986, ông nhận Huân chương Hiệp sĩ nghệ thuật văn học do Bộ Văn hóa Pháp trao tặng.
Ông đã phải làm đủ mọi việc để kiếm sống, từ hầu bàn, rửa chén ở tiệm ăn đến trông nom trẻ em hay sơn nhà cửa... Đạo diễn chia sẻ, chính quãng thời gian vất vả đó đã khiến ông có sự đồng cảm đặc biệt với những người lính thợ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.