Lật tẩy hàng dỏm ở Trung Quốc

25/07/2011 08:40 GMT+7

(TNTS) Ngay cả “đại gia” hàng nội thất danh giá của Singapore, Da Vinci, cũng vừa bị lật tẩy bán hàng dỏm ở Trung Quốc.

Hàng Ý, giá trên trời!

Những salon lộng lẫy của Da Vinci tọa lạc ở những vị trí đắc địa của Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến… chỉ có khách thượng lưu mới dám bước vào. Hàng nội thất ở đây mang toàn nhãn hiệu Ý như Jumbo Grouppo Italia, Cappelletti, Riva, Preciosa, Colombostile, Natuzzi… hoặc những cái tên lấy cảm hứng từ các thương hiệu thời trang nổi tiếng như Versace Home, Fendi Casa, Kenzo Maison, Cerruti… nhiều năm qua liên tục đoạt các giải thưởng “Hàng nội thất được yêu thích nhất của các triệu phú” Trung Quốc.

 


Đồ gỗ cao cấp của Da Vinci bị bong tróc - Ảnh: Chilicity

Người nhà giàu Trung Quốc kéo đến Da Vinci mua hàng bởi quá ngán chuyện mua lầm ở các cửa hiệu nội địa, bởi hàng Da Vinci hoàn toàn làm bằng gỗ đặc, “made in Italy”, có giấy chứng nhận hẳn hoi. Một cái giường bán ở cửa hàng nội thất Trường Phong tại thành phố Đông Quản, tỉnh Quảng Đông có giá 30.000 nhân dân tệ (95 triệu đồng), nhưng cái giường tương tự mang nhãn Cappelletti của Da Vinci ở ngay thủ phủ Quảng Châu lân cận có giá cao gấp 10 lần. Ngoài hàng Ý, Da Vinci cũng bán hàng của những thương hiệu Mỹ nổi tiếng như Thomasville, Henredon, Maitland Smith, John Richards, Marge Carson, Theodore Alexander…

Doris Phua có thể là một người gốc Hoa từ Singapore, nhưng rõ ràng bà ấy chẳng hiểu gì về tình hình Trung Quốc. Trung Quốc ngày nay thiếu mọi thứ, nhưng đâu có thiếu nước mắt. Nước mắt con người từ lâu đã là thứ giả dối

Nhật báo Southern Metropolis

Website của Da Vinci cho hay công ty được phôi thai từ năm 1978 và chính thức thành lập năm 1994 bởi nữ tiến sĩ Doris Phua, người Singapore. Bà Phua được giới thiệu là tiến sĩ danh dự, một học vị mang tính nghi thức hơn là giá trị học thuật, của Đại học Honolulu (Mỹ). Bà cũng từng học nghề làm kim hoàn ở Mỹ và được cấp chứng chỉ về ngành đá quý. Ngoài Singapore và Trung Quốc, Da Vinci cũng có những cửa hiệu sang trọng ở Indonesia, Malaysia, Brunei và Hồng Kông. Nhờ Da Vinci, bà được giải thưởng nữ doanh nhân Singapore năm 2001, giải nữ doanh nhân doanh nghiệp vừa và nhỏ Montblanc năm 2002… Tiếng tăm và triển vọng kinh doanh của Da Vinci thật rạng rỡ. Công ty này cũng đang dự tính lên sàn chứng khoán Thượng Hải vào năm tới.

Thủ thuật “lội nước”

Bất thình lình, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV hôm 10.7 đưa một bản tin nói rằng Da Vinci bán hàng dỏm. Bản tin xuất phát từ lời tố cáo của một khách hàng họ Đường, người đã mua chừng 40 sản phẩm của Da Vinci với tổng trị giá 2,8 triệu nhân dân tệ. Ngày nọ, từ một số sản phẩm bốc ra mùi hôi khó chịu. Bà Đường đem đồ đến Trung tâm quốc gia kiểm soát chất lượng hàng nội thất ở Bắc Kinh để kiểm nghiệm thì lòi ra sự thật: sản phẩm được làm từ gỗ sợi tẩm chất resin, thay vì gỗ đặc như quảng cáo của cửa hàng.

CCTV đã lần ra nguồn gốc của những món hàng giả này: Chúng được làm ngay tại xưởng của Công ty Trường Phong ở Đông Quản. Một công nhân tên Bằng Khiết (Peng Jie) ở Trường Phong đã tiết lộ với CCTV rằng ông chủ của mình chính là nhà thầu đóng hàng cho Da Vinci. Ngay sau bản tin của CCTV, người công nhân này đã bị đuổi việc.

“Độc chiêu” biến hàng “made in China” thành hàng “made in Italy” của Da Vinci là tạm xuất chúng qua cửa khẩu khu vực thương mại tự do Ngoại Cao Kiều (Waigaoqiao), lưu kho ở đó 1 ngày, rồi hôm sau tái nhập vào Trung Quốc. Sau đó đóng thêm cái mác “made in Italy” và kèm thêm một giấy chứng nhận.

Người Trung Quốc gọi chiêu này là “lội nước”.

 
Khách hàng của Da Vinci giận dữ tại cuộc họp báo - Ảnh: China Daily

“Cả vú lấp miệng em”

Tin mới nhất từ Tân Hoa xã cho hay, hải quan thành phố Thượng Hải, nơi trụ sở chính của Da Vinci Trung Quốc tọa lạc, thừa nhận đang lưu giữ nhiều hồ sơ hàng nội thất tái nhập của công ty này. Phát ngôn viên phòng cách ly và thanh tra xuất nhập khẩu Thượng Hải cho biết họ tìm thấy 11 lô hàng của Da Vinci do hai công ty Ninh Ba và Hải Ninh ở tỉnh Chiết Giang sản xuất, được tái nhập qua cảng Thượng Hải. Các quan chức thành phố này khẳng định, hàng của Da Vinci được đội giá lên tận mây xanh sau khi “lội nước” (tạm xuất – tái nhập), và “điều này có thể nhìn thấy trong sổ sách kinh doanh hằng tháng của Da Vinci”. Theo các báo Trung Quốc, hàng trăm khách hàng đang đổ xô đến đòi Da Vinci trả lại toàn bộ tiền mua hàng.

Tin dữ lan truyền nhanh như ánh sáng, khiến bà Phua phải triệu tập một cuộc họp báo hôm 13.7 tại khách sạn Park Hyatt ở Bắc Kinh với sự hiện diện của 20 nhà cung cấp từ Mỹ và Ý. Sự có mặt của mấy vị khách phương xa này nhằm chứng tỏ hàng của Da Vinci có nguồn gốc danh giá. Tuy nhiên, cuộc họp báo kéo dài gần một tiếng đồng hồ đã trở thành một tấn bi hài kịch, mà sự có mặt của các vị khách phương Tây chỉ thêm phần lố bịch.

Blogger Shanghaiist trong một bài viết có tựa đề Nhà bán lẻ Da Vinci đã chỉ cho bạn cách nào để khỏi phải tổ chức họp báo, kèm theo các đoạn video cho thấy rất đông phóng viên và thường dân tham dự. Blogger này cho hay lúc đầu bà Phua đã hùng hồn đọc một diễn văn ca ngợi lịch sử và thành tích công ty kéo dài gần nửa giờ. Tiếp theo là các trợ lý của bà thay phiên nhau đọc những tờ giấy đầy chữ, trấn an rằng hàng bán ở Da Vinci toàn là đồ thật và phủ nhận mọi cáo buộc gian dối.

“Chúng tôi không bao giờ mua hàng nội thất làm từ Trung Quốc, rồi tạm xuất, tái nhập. Chúng tôi không bao giờ làm thế”, bà Phua nói. Bà còn hùng hồn tuyên bố sẽ đền gấp 10 lần giá mặt hàng nếu khách chứng minh được đó là đồ giả. Bà cũng nói thêm rằng Da Vinci có bán một số mặt hàng của Mỹ sản xuất tại Việt Nam, Trung Quốc và Ấn Độ, và thông tin này luôn được công khai với khách hàng.

Điên tiết vì cách thức câu giờ và “cả vú lấp miệng em”, một thường dân đứng vụt dậy, quát thẳng vào mặt bà Phua và yêu cầu bà dừng ngay việc đọc những lời viết sẵn. Người đàn ông này nói rằng ông đã mua đến 10 triệu nhân dân tệ hàng nội thất từ Da Vinci. “Giả dối”, ông quát to và đòi Da Vinci trả lại tiền, rồi giận dữ bỏ ra ngoài.

Bà Phua bật khóc, cố gắng đọc nốt những câu còn lại rồi đứng dậy đi ra ngoài, sau khi nức nở được một lời duy nhất: “Hãy cho chúng tôi một cơ hội nữa để phục vụ các bạn”. Cuộc họp báo kết thúc như cái chợ vỡ. Cánh phóng viên bao vây cấp dưới của bà Phua để đặt câu hỏi, nhưng chẳng có câu trả lời nào được đưa ra.

Báo Straits Times của Singapore bình luận: “Người tiêu dùng Trung Quốc, vốn quá ngán ngẩm với nỗi kinh hoàng an toàn thực phẩm và “thành tích” làm hàng giả ở trong nước, đã gạt bỏ những lời giải thích của bà Phua và chửi bà đã nhỏ nước mắt cá sấu tại cuộc họp báo”. Trong khi đó, cộng đồng mạng cũng chửi luôn “đại sứ hình ảnh” của Da Vinci, nữ phát thanh viên Dương Lan chuyên phụ trách các cuộc phỏng vấn truyền hình nổi tiếng.

Còn nhật báo uy tín Southern Metropolis thì mỉa mai: “Doris Phua có thể là một người gốc Hoa từ Singapore, nhưng rõ ràng bà ấy chẳng hiểu gì về tình hình Trung Quốc. Trung Quốc ngày nay thiếu mọi thứ, nhưng đâu có thiếu nước mắt. Nước mắt con người từ lâu đã là thứ lừa dối”.

Thục Minh
(Văn phòng Singapore)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.