Lật tung đất rừng tìm trầm kỳ

13/02/2011 00:16 GMT+7

Từ mùng 6 tết, cả ngàn người dân ở các xã Xuân Quang 1, Xuân Lãnh, Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) và xã Phước Tân (huyện Sơn Hòa), tỉnh Phú Yên lại vào vùng núi Chín Cụm đào đất tìm trầm kỳ.

Vùng rừng núi xã Phú Mỡ vốn nổi tiếng về trầm kỳ. Ở đây có hai loại: dó bầu và dó gạch. Những cây dó này đã cho ra nhiều loại kỳ nam như thanh, hương, hắc… Trước đây, giới đi địu (tìm trầm) luôn trúng đậm mỗi khi đến vùng núi này. Nhưng sau này, trầm cạn kiệt dưới sự lùng sục gắt gao của con người. Gần đây, người ta phát hiện dưới lớp đất trong các cánh rừng vùng núi Chín Cụm ở xã Phú Mỡ có cả trầm kỳ.

Ông Võ Hiệp, quê ở xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, người được gọi là “Vua kỳ nam xứ Nẫu”, cho biết: “Vùng núi Chín Cụm ở xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, Phú Yên phát hiện ra trầm kỳ vào năm 1982. Vùng này rất nhiều trầm kỳ, trọng lượng kỳ nam lớn nhất chưa đến 1 kg nhưng lại có lượng tinh dầu kỳ tương đối cao nên giá bán cao hơn so với các loại kỳ ở nơi khác. Đến nay, giới đi địu vẫn chưa có ai biết giá trị thật của loại kỳ nam này”.

Thâm nhập bãi trầm

Từ trung tâm xã Phú Mỡ, chúng tôi vượt nhiều suối, đèo dốc quanh co gập ghềnh với quãng đường dài hơn 20 km mới đến nơi tập kết trước khi vào bãi trầm. Tại đây, nhiều người dân dựng lều quán để giữ xe, bán hàng phục vụ cho giới đi địu. Chúng tôi vào quán hỏi mua trầm. Anh chủ quán tên Thanh vào tủ lấy ra một bọc bì dó bầu (trầm ăn vào lớp vỏ ngoài cây dó bầu - PV) giới thiệu mặt hàng. Thấy chúng tôi không ưng ý nên anh Thanh giới thiệu sang anh Nguyễn Thanh Lam, một người đi địu ở xã Xuân Quang 1, để dẫn vào rừng tìm mua.

Gửi xe vào quán, anh Lam dẫn chúng tôi đi vào con đường đất vừa mới mở để làm thủy điện La Hiêng. Đi chừng 500m, trước mặt là cánh rừng nguyên sinh, bắt đầu len lỏi theo lối mòn vào rừng. Ở đây, nhiều cây gỗ thuộc loại quý hiếm mọc dày đặc. Mất hơn 2 giờ, chúng tôi mới vào đến bãi trầm. Hàng trăm chiếc lều bằng nhựa vàng khè do đóng khói nằm ven các khe suối.

Phá rừng

Sau khi sửa sang lại lều, cất vật dụng và thức ăn đâu đó, anh Lam dẫn chúng tôi vào bãi trầm. Từng tốp 5 - 7 người đang cuốc từ lưng chừng đồi lên đến đỉnh. Cây lớn, cây nhỏ mọc đan xen rất rậm rạp nên họ phải dùng rựa phát quang, để lộ ra lớp đất mặt. Sau những nhát cuốc xới tung mặt đất, thi thoảng họ cúi xuống nhặt vật gì đen đen, rồi bật lửa đốt. Anh Lam giải thích: “Trước đây, rừng này có rất nhiều cây dó gạch phát bì trầm. Dân đi địu đã khai thác nhưng chỉ lấy từ gốc trở lên phần thân - nơi phát bì, một số cây khác thì phát bì trầm rồi tự chết rục. Cũng từ đó, gốc rễ còn lại hình thành bãi trầm nằm dưới lớp đất mặt. Người dân cuốc lớp đất mặt lên, nhìn thấy mảnh gỗ màu đen đen thì nhặt lên đốt, nếu là trầm thì có mùi hương thơm”.

 

Loại trầm được tìm thấy ở vùng núi Chín Cụm - Ảnh: Đức Huy

Vùng núi Chín Cụm có đến hàng trăm bãi trầm như bãi Hòn Cô, Suối Lạnh… và có hơn 1.000 người dân địu đang từng ngày lật tung đất trong các hốc cây rừng để tìm trầm. “Làm đông vậy, nhưng chẳng phải ai cũng trúng đâu, có người nằm trên núi gần cả nửa tháng nhưng chẳng tìm thấy tí trầm nào để mà ngửi. Nhưng cũng có người trúng đậm từ vài dem trở lên (dem là đơn vị đo trọng lượng trầm kỳ của giới đi địu, 1 dem tương đương 10 gram - PV). Số người trúng đậm trầm kỳ chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng phải nói phần lớn dân đi địu tại các bãi trầm ở đây cũng kiếm thu nhập được kha khá”, anh Nhựt, ở Xuân Quang 1, người bạn đi địu cùng với anh Lam, tiết lộ.

Dạo quanh bãi trầm Hòn Cô, chúng tôi chứng kiến cảnh dân địu đào bới, chặt phá cây rừng. Ở đâu có bãi trầm, rừng ở đó bị đào xới, chặt phá vô tội vạ.

Đổ xô đi địu

Theo lời dân đi địu kháo nhau, 1 lạng kỳ thanh (loại kỳ hình thành từ cây dó gạch - PV) giá hơn 500 triệu đồng, còn 1 lạng trầm giá khoảng 180 triệu đồng, tùy phụ thuộc vào lượng tinh dầu trong trầm nhiều hay ít. Ông Thanh, một người đi địu ở Xuân Phước, tiết lộ: “Tôi vừa trúng 10 dem kỳ thanh, bán được 25.000 USD, đổi ra hơn 500 triệu đồng. Chuyến đi đó, cả nhóm 12 người nên chia nhau một người được vài chục triệu”.

Ông Thanh tìm thấy miếng kỳ hơn 1 lạng cũng rất tình cờ. “Trong lúc ngồi nghỉ mát dưới gốc cây, tui lấy cuốc đào vào hốc cây chơi thôi nhưng tình cờ phát hiện một cục màu đen, nhặt lên ngửi qua thì đúng là kỳ. Sau đó, nhóm của tui về nhà mua heo mang vào rừng để cúng cô cậu. Vì cây dó gạch thân nhỏ nên hầu hết hàng kỳ chỉ nặng vài lạng”, ông Thanh thổ lộ.

Sau khi thông tin trúng kỳ rộ lên, hơn ngàn người ở các xã lân cận xã Phú Mỡ đã đổ xô về đây, cất lán trại để tìm trầm kỳ. Anh Lam lý giải chuyện người dân đổ xô vào rừng đào đất tìm trầm kỳ: “Sau cơn lũ năm 2009, người dân ở xã Xuân Quang 1 rơi vào cảnh kiệt quệ, nợ nần chồng chất nhưng nhờ bãi trầm kỳ ở núi Chín Cụm, nhiều gia đình vượt qua cơn khốn khó, có người trúng đậm trở nên giàu có. Vì vậy, không chỉ đàn ông, người già cũng đi vào rừng đào đất để mót sái trầm (lớp bì trầm nằm lẫn trong đất). Loại này giá rất thấp, mỗi chuyến nếu trúng cũng kiếm được vài triệu đồng. Nhưng không phải chuyến nào cũng trúng, trong khi chỉ tiền sắm chuyến mất cả triệu đồng cho nhóm 5 người”.

Trên đường vào bãi trầm, chúng tôi gặp rất nhiều nhóm đi địu trên đường trở về sau chuyến đi địu dài 7 ngày. Nhóm anh Hồng có 3 người, nhưng 2 người là “lính mới” nên chỉ kiếm được một ít bì trầm. Chúng tôi hỏi mua thì anh này ra giá 700.000 đồng. Sau khi xem xong hàng, chúng tôi chê hàng vụn quá nên từ chối. “Thật ra, với loại hàng đó và số lượng đấy chỉ bán được gần 500.000 đồng. Cả chuyến mà kiếm được từng ấy là lỗ chuyến”, anh Lam nói.

“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, anh Lam nhắc lại câu nói của giới làm rừng, rồi kể lại chuyện ông Tám Cư, một người đi địu ở Xuân Quang 1, đã bỏ mạng trong rừng vì tìm trầm. “Cách đây vài năm, nhóm ông Tám Cư vào bãi trầm Hòn Cô. Cả nhóm tập kết tại một con suối, bên cạnh một cây lớn có cành khô. Sau khi cúng xong, cả nhóm ngồi chuẩn bị ăn thì bất ngờ cành cây đổ xuống đè lên người ông Tám Cư, khiến ông này chết tại chỗ”.

Đức Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.