Cuối cùng thì ngoại cũng đồng ý, tụi tôi vui mừng khôn tả, người ngoại sẽ lấy làm chồng là bác cựu chiến binh bên nhà.
Ở cái tuổi ngoại lục tuần, có lẽ hiếm ai nghĩ đến chuyện thành hôn nữa. Nhưng giờ đây khi cả hai chị em tôi đều đã đi lấy chồng, để ngoại thui thủi một mình lòng chẳng khỏi thương tâm.
Tình già
Ngoại “phải lòng” bác cựu binh nhà bên chừng hơn một năm nay. Đó là một đại tá quân đội đã nghỉ hưu, nhiều hơn ngoại 1 tuổi. Có lẽ muốn tránh cái ồn ào nơi phố thị, bác cựu binh này chuyển về quê sống với cảnh điền viên và chẳng biết từ khi nào, bác đã làm thân với “cô gái” gần nhà - ngoại tôi.
Nghe đâu bác ta cũng chỉ có một người con gái, cô ấy đã xuất ngoại cùng chồng để lại cha già, năm thì ba họa mới về thăm. Ngoại còn e nhiều thứ, nhất là khi xóm làng chẳng ít lời gièm pha. Nhưng kệ, thời gian trôi qua, mối tình già ấy càng thêm bền chặt. Ngoài chúng tôi, có lẽ chỉ có bác cựu binh ấy là hiểu ngoại. Hai con người đơn độc tìm đến với nhau trong sự đồng cảm của những người đã ở tuổi xế chiều.
Năm 2007, cầu Cần Thơ sập, trong số nhiều người mất mạng có cả cha mẹ tôi. Bà cháu nuôi nhau cho đến khi cả hai chị em tôi lên xe hoa về nhà chồng. Chúng tôi biết “mối tình” của ngoại, ban đầu cũng khó chịu nhưng sau này hiểu ra và cảm thông với ngoại.
Tình cảm của “hai cụ” dành cho nhau chắc hẳn khác xa với tình yêu đôi lứa của những người trẻ chúng tôi. Họ chẳng mấy khi dám đi cùng nhau ra đường, không dám cùng nhau đến thăm bạn bè hay những người trong họ. Ngoại bảo, được cả hai cháu hiểu và thương ngoại là đủ lắm rồi. Và hơn 1 năm nay, giữa hai con người cút côi đã có một tình yêu như thế.
Ngày ngoại về nhà chồng
Ngoại nói là thôi cứ để tự nhiên như thế, tuổi này còn cưới hỏi cái gì, xóm làng lại cười thêm cho. Bác cựu binh thì lưỡng lự, nhưng sau khi chúng tôi thuyết phục, bác đã ưng lòng và muốn đón ngoại về “ở một nhà cho vui”.
Hôn lễ được tổ chức rất giản đơn. Cô dâu, chú rể vẫn làm đủ các nghi thức như thường, chỉ có điều đám cưới chỉ có hai đứa chúng tôi tham dự. Ngoại không mặc áo cưới hay ăn bận quá cầu kỳ mà chỉ mang trên mình tấm áo dài đã sờn cổ. Trước lúc sang nhà chồng, ngoại không quên thắp nén nhang trên bàn thờ ông ngoại quá cố của chúng tôi. Ngoại vui không phải vì mình được lấy chồng lần nữa mà vui vì đã tìm thấy một người bạn ân tình - người từ nay sẽ ở bên chia sẻ vui buồn những lúc xa vắng cháu con.
Chia tay ngoại lúc chiều muộn, chúng tôi òa khóc như bọn trẻ con, thương ngoại nhiều quá. Bác cựu binh trong nhà cũng rơm rớm nước mắt trông ra, nhìn ông hiền từ và rất đáng nhờ cậy. Nắng chiều tắt, chúng tôi trở về mang theo trong lòng những niềm vui.
Tam Hồng
Bình luận (0)