Sự chân thành và nỗ lực của bản thân sẽ giúp cô dâu Việt có cuộc sống hạnh phúc bất chấp mục đích ban đầu là gì.
Một lớp làm bánh cho gia đình cô dâu nước ngoài tại Trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa quận Dongjak - Ảnh: Nhân vật cung cấp
|
Seoul chiều cuối tháng 5, trời trong nắng đẹp. Trong quán cà phê náo nhiệt nằm cách Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc (HUFS) không xa, Đinh Thị Lai mặt ửng hồng chậm rãi trả lời từng câu hỏi của tôi. Chị vừa phải xin phép giáo sư cho nghỉ sớm và chạy vội từ lớp để kịp cuộc hẹn.
“Quan trọng là mình sống thế nào”
Sinh năm 1982, quê Hải Phòng, chị Lai có thể được xem là một trong những điển hình của cô dâu Việt có cuộc sống đề huề, hạnh phúc ở xứ kim chi. Chị kết hôn và sang Hàn Quốc từ năm 2004, nay đã có con trai 11 tuổi. Sau thời gian đầu sống cùng cha mẹ chồng, gia đình chị nay đã ra riêng. Chồng chị làm kế toán và có đủ điều kiện kinh tế để cho vợ theo học Khoa Ngữ văn Việt tại HUFS, một trong những đại học tư tốt nhất Hàn Quốc.
Từ nhiều năm qua, chuyện “làm sui” giữa VN và Hàn Quốc đã trở thành một phần rất bình thường tại hai nước, thế nhưng, cũng không ít lần hỷ sự hóa chuyện đau lòng, thậm chí tang tóc. “Mỗi khi đọc tin, biết chuyện không may xảy đến với các cô dâu Việt khác, tôi rất buồn. Tôi cũng hay mang những chuyện ấy kể với chồng”, chị Lai tâm sự, “nhưng nghĩ lại thì những chuyện có thể xảy ra ở bất cứ đâu, với bất kỳ ai. Nhiều đàn ông Hàn hay uống rượu, hay nổi nóng nhưng không ít đàn ông Việt cũng vậy. Quan trọng là mình sống thế nào”.
Và “sống thế nào” có nghĩa là trước hết phải đến với nhau bằng sự chân thành và có sự chuẩn bị kỹ càng từ cả hai phía. “Nhiều người trẻ lấy chồng sang đây vì ở quê quá khó khăn trong khi các cô ấy lại không có được hiểu biết về xây dựng gia đình, về văn hóa Hàn Quốc rồi nhiều cái khiến xảy ra nhiều chuyện”, chị Lai trầm tư nhớ lại những gì đã từng gặp trong giai đoạn làm phiên dịch cho Trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa quận Dongjak ở Seoul. Kể cả lấy chồng Hàn vì mục tiêu tìm kiếm một cuộc sống sung túc hơn không có gì là xấu. Điều quan trọng nhất là phải xác định rõ mục tiêu và những gì chờ đợi mình để có sự chuẩn bị cần thiết về tâm lý. Cũng đừng nên quá mong đợi chồng là “máy rút tiền” vì không phải rể Hàn nào cũng là đối tượng dư dả về kinh tế.
Nên chuẩn bị trước cuộc hôn nhân
“Ở đâu cũng phải sống, ở đâu cũng phải làm”, theo chị Lai, và lấy chồng ở đâu, với mục đích gì thì trước hết cũng dựa trên nền tảng chân thành, tôn trọng và những suy xét kỹ lưỡng về tính cách, lối sống, tuổi tác... Tìm hiểu gia đình chồng, học trước tiếng và văn hóa Hàn Quốc là chìa khóa quan trọng để có được hạnh phúc. Vậy mới không loay hoay, hốt hoảng ở sân bay Incheon vì không biết điền tờ khai nhập cảnh hay đến nơi mới tá hỏa phát hiện chồng là nông dân nghèo, ít học hoặc thậm chí khiếm khuyết về thể chất, tâm thần cũng như những chuyện dở khóc dở cười như bị đuổi khỏi nhà vì... chống cằm nhìn cha chồng ăn cơm.
Xã hội Hàn Quốc là tổng hòa giữa trật tự truyền thống Nho giáo nghiêm ngặt và sự hiện đại, năng động, rất xem trọng tri thức. Vì thế mà chị Lai “mỗi sáng phải thức dậy thật sớm nấu cơm sáng cho chồng con, hoàn thành mọi bổn phận rồi tất tả đến trường” nhưng vẫn quyết đi học, lấy được tấm bằng. Có vậy, “người ta mới tôn trọng mình” và cha mẹ chồng cũng bỏ được tâm lý nghi ngờ cô con dâu chỉ biết lợi dụng rồi bỏ bê gia đình. Liên hệ chặt chẽ với các hội đoàn, trung tâm hỗ trợ của Hàn Quốc, đại sứ quán, lãnh sự quán VN cũng giúp ích rất nhiều trong việc “biến xứ người thành nhà mình”.
Bình luận (0)