Nhiều năm qua, học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An bị trừ một phần học bổng để nhà trường trả lương ngoài giờ cho giáo viên.
Bữa ăn của học sinh Trường THPT DTNT Nghệ An chưa đảm bảo chất lượng - Ảnh: Phạm Đức
|
Quy định vênh nhau, học sinh chịu thiệt
Mỗi năm Trường THPT Dân tộc nội trú (DTNT) Nghệ An tuyển 180 học sinh (HS) là con em dân tộc thiểu số, định cư lâu dài ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Hầu hết HS trường này đều là con em của những gia đình thuộc diện đói, nghèo.
Theo quy định tại Quyết định 49/2008 của Bộ GD-ĐT, trường dân tộc nội trú là trường chuyên biệt, HS được hưởng các chính sách ưu đãi trong đào tạo, được học 2 buổi mỗi ngày không phải đóng học phí. Tuy nhiên, nhiều năm qua, Trường THPT DTNT Nghệ An đã lấy một phần học bổng của HS để trả lương cho giáo viên dạy buổi chiều.
Theo kết luận thanh tra của Ban Dân tộc Nghệ An, từ năm học 2009 - 2010 đến nay, mỗi tháng trường này trừ mỗi HS 150.000 - 200.000 đồng trong số tiền được nhà nước cấp học bổng cho HS (với mức 1,6 - 1,8 triệu đồng/HS/năm) để bù vào tiền học thêm buổi chiều. “Từ năm học 2009 - 2010, chúng tôi thanh tra đã phát hiện việc này và yêu cầu nhà trường phải chấm dứt ngay vì đó là sai quy định. Đến năm học 2014 - 2015, khi chúng tôi thanh tra lại vẫn phát hiện họ tiếp tục sai phạm. Chúng tôi kiểm tra bữa ăn của HS và thấy khẩu phần ăn của các cháu không đảm bảo, nên tiếp tục yêu cầu trường phải chấm dứt ngay việc trừ học bổng để các em lấy tiền bổ sung cho bữa ăn”, ông Trần Nhật Phương, Trưởng phòng Chính sách Ban Dân tộc Nghệ An, nói.
Ông Nguyễn Văn Trung, Hiệu trưởng Trường TPHT DTNT Nghệ An, cho rằng việc trường phải thu tiền học thêm của HS là do sự bất cập giữa 2 văn bản của Bộ GD-ĐT. Quyết định 49/2008, Bộ
GD-ĐT quy định giáo viên trường DTNT phải dạy 2 buổi/ngày nhưng Thông tư 59/2008 cũng của Bộ GD-ĐT lại quy định giáo viên trường DTNT dạy 15 tiết/tuần, mỗi lớp được bố trí không quá 2,4 biên chế. “Nếu áp dụng 2,4 biên chế/lớp thì chỉ bố trí giáo viên dạy được 1 buổi trong ngày.
Để HS được học 2 buổi/ngày thì trường phải có thêm kinh phí chi trả tiền thêm giờ cho giáo viên, nhưng do không được bố trí kinh phí nên chúng tôi không còn cách nào khác ngoài việc phải thu của HS. Việc này chúng tôi đã xin ý kiến của phụ huynh và được họ đồng ý”, ông Trung giải thích. Ông Trung cho rằng, năm nào trường cũng có văn bản đề nghị Sở GD-ĐT giải quyết bất cập này nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Biết mà không giải quyết ?
Ông Nguyễn Nhượng, Trưởng phòng Tài chính Sở GD-ĐT Nghệ An, cho biết số tiền Trường THPT DTNT Nghệ An lấy từ học bổng chuyển thành học phí buổi thứ 2 của HS mỗi năm khoảng 900 triệu đồng. “Tôi phát hiện việc này từ 4 năm trước khi kiểm tra tài chính của trường và đã đề nghị trường phải dừng thu ngay vì trái quy định. Năm học 2013 - 2014, tôi kiến nghị lãnh đạo Sở GD-ĐT phải xử lý và trả lại số tiền thu trái quy định này cho HS nhưng sự việc vẫn không dừng lại”, ông Nhượng nói. Ông Nhượng cũng cho rằng, lỗi này thuộc về Sở GD-ĐT khi không báo cáo UBND tỉnh và đề xuất phương án giải quyết khiến HS bị thiệt thòi từ nhiều năm nay.
Ông Lưu Đức Thuyên, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An, thừa nhận việc Trường THPT DTNT Nghệ An lấy tiền học thêm buổi thứ 2 của HS là sai và Sở rất khó xử lý vì “trường thu cũng là bất đắc dĩ”. “Lâu nay, lãnh đạo sở chỉ báo cáo với lãnh đạo tỉnh trong một số cuộc họp để xin ý kiến giải quyết việc này chứ Sở chưa có báo cáo bằng văn bản”, ông Thuyên nói. Ông Thuyên thừa nhận sự chậm trễ này có trách nhiệm của Sở và để tháo gỡ vướng mắc, Sở sẽ đề xuất UBND tỉnh cấp kinh phí để trường chi trả cho giáo viên dạy thêm giờ, nhằm chấm dứt việc thu tiền của HS.
Về số tiền đã thu của HS nhiều năm nay, ông Thuyên cho rằng rất khó thu hồi để trả lại cho HS vì tiền đã chi trả hết cho giáo viên.
Bình luận (0)