Lay lắt xóm Việt kiều

29/07/2014 09:54 GMT+7

Xóm Việt kiều là tên người dân ấp 4, xã Minh Thành, H.Hớn Quan, (Bình Phước) dùng để gọi những hộ gia đình người Việt ở Campuchia trở về, sống lay lắt trong những căn nhà lá tạm bợ.

Cuộc sống của cư dân ở xóm Việt Kiều luôn chông chênh, vô định

Những căn chòi dưới chân cầu rất nguy hiểm

Xóm Việt kiều nhìn từ trên cầu xuống

Những cư dân “3 không”

Tại chân cầu Sài Gòn 1, đoạn bắc qua sông Sài Gòn nối giữa H.Hớn Quản (Bình Phước) và H.Tân Châu (Tây Ninh) là nơi sinh sống của 12 hộ dân Việt kiều Campuchia hồi hương. Đứng từ trên nhìn xuống có thể thấy những nóc nhà lá rách nát, tạm bợ dựng bằng những thân cây chênh vênh trên mặt nước. Chỉ cần một cơn gió thoảng qua cũng đủ để cái xóm nhỏ nghiêng ngả, xiêu vẹo.

Trong căn nhà chưa đầy 20m2 là nơi cư ngụ của 8 thành viên lớn nhỏ của gia đình bà Võ Thị Sánh (50 tuổi). Căn nhà của bà Sánh nằm lọt thỏm dưới chân cầu, mỗi khi xe tải chạy qua, những cái cột nhà nhỏ xíu run lên bần bật. Trước năm 2005, gia đình bà Sánh sống ở tỉnh Pursat (Campuchia) và làm nghề đánh bắt cá trên Biển Hồ. Vào mùa nước nổi, Chính phủ nước bạn cấm đánh bắt cá trên Biển Hồ nên cả gia đình bà quyết định hồi hương rồi dựng chòi dưới chân cầu tìm nguồn sống.

Tài sản duy nhất của 8 con người mang danh “Việt kiều hồi hương” chỉ là những tay lưới chắp vá và 3 không: không giấy tờ tùy thân, không hộ khẩu và không cả... tương lai. Phần lớn thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào nguồn tôm, cá đánh bắt dưới dòng sông.

Căn chòi của hộ ông Trần Văn Minh (49 tuổi) và bà Lê Thị Tiền (48 tuổi) kế bên cũng không khá khấm gì hơn. Cũng như gia đình bà Sánh, hộ ông Minh cũng từ Biển Hồ trôi dạt về đây. 12 thành viên lớn nhỏ trong gia đình ông đều làm nghề giăng câu, chài lưới. Cá bắt được nếu nhiều thì đem bán đổi gạo, ít thì làm thức ăn sống đắp đổi qua ngày.

Ngoài việc thiếu điện thì nước sinh hoạt với những người dân nơi đây cũng trở thành một thứ xa xỉ. Họ phải mua nước ngọt với giá 10.000 đồng/can loại 20 lít. Nước mua chỉ dùng để ăn uống, còn sinh hoạt và tắm rửa thì hướng thẳng ra sông.

Thất học triền miên

Những đứa trẻ chúng tôi gặp nơi đây phần lớn được sinh ra tại Campuchia, còn lại là sinh ra ngay tại xóm Việt kiều này. Tất cả có chung một hoàn cảnh: không có giấy khai sinh, không hộ khẩu và đặc biệt là không biết chữ.

Nghe chúng tôi hỏi về chuyện học của những đứa trẻ, ông Nguyễn Văn Lễ (50 tuổi), người sinh sống tại đây lâu năm lắc đầu thở dài: “Do bà con mới trở về tạm cư nên chưa ai có quốc tịch, hộ khẩu…Việc đưa các cháu đến trường chỉ là chuyện trong mơ”.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Quý, Chủ tịch UBND xã Minh Tâm xác nhận: “Do người dân ở đây không giấy tờ tuỳ thân nên các chính sách định canh, định cư hay hộ nghèo đều không thể thực hiện được. Việc nhập khẩu cho họ vượt quá thẩm quyền của UBND xã”.

Cũng theo bà Quý, mặc dù UBND xã đã nhiều lần kiến nghị lên trên nhưng hiện xã vẫn chưa nhận được câu trả lời.

                                                                Bài, ảnh: Phước Hiệp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.