Vợ ông nói đúng là “rảnh” thiệt. Ai đời làm quần quật vậy mà thấy ai đi ngang cũng cà rỡn rồi sinh chuyện. Lâu lâu là có người mắng mỏ, nói bà không biết dạy chồng, chồng bà rảnh quá thì đi… họp, sao lại chọc ghẹo người ta?
Được ôm nhờ… chuột
Chị Tý tuy lỡ thì nhưng còn “ướt át”. Chị có tướng đi khá “bắt mắt”: đầu chúi về trước, mông ển ra sau. Có người nói đầu chị đã vào nhà nhưng mông còn la cà ngoài ngõ. Chị rất sợ chuột, đến nỗi đang cắt lúa mà thấy chuột là ré lên, quăng liềm, nhắm mắt đu lấy người bên cạnh, hai chân quặp chặt dù người đó là đàn ông.
Các bà vợ răn chồng: đừng lợi dụng tính sợ chuột của chị Tý để làm bậy. Còn thôn trưởng thì hăm he, ai dọa chuột để chị Tý “ôm” sẽ bị kiểm điểm trước dân.
|
Khổ nỗi, mười anh thì cả mười đều ưng... bị kiểm điểm. Đã có mấy người gọi chuột là “ân nhân” vì chuột đã cho họ phút “giải lao tươi mát” trên đồng.
Một bữa Tư rảnh đang sạ lúa thì chị Tý gánh đỗ xanh đi ngang. Ngứa mình, ông liền chỉ cái thúng phía sau la to: chuột chuột! Chị Tý hét lên, thả gánh đỗ xuống mương, đu người lên cây chuối, mắt nhắm hít. Biết lỗi, Tư rảnh chạy tới nói tui giỡn đó mà. Chị Tý hé mắt, thả cây chuối, nhào vào ông, tay ôm chân quặp. Bọn trẻ chăn bò vỗ tay la: “Lêu lêu mắc cỡ cô Tý, chú Tư”.
Mẹ chị Tý báo cáo thôn rồi đi thẳng tới nhà “thủ phạm”, vừa nhảy loi choi vừa chửi um lên. Gã say rượu gần đó “tức cảnh” nói nè, con Tý thèm đàn ông, giả đò sợ chuột để ôm. Người ta không lấy tiền bo là may lắm, còn bày đặt chửi. Đám đông cười rộ.
Thôn buộc Tư rảnh đền cho chị Tý gánh đỗ bị trôi và một trăm ngàn đồng tổn hại tinh thần. Anh vợ Tư rảnh cười hề hề: “Lần sau để tao”. Chị Tư hứ cái “rét”, nói già còn rửng mỡ.
“Mở đường máu”
Bà Sáu là vợ của một sếp ngành thuế. Mặt bà nung núc những thịt, bộ ngực đồ sộ, tay chân ú na ú nần. Dù bà nặng chưa tới… trăm cân nhưng dân làng vẫn lén kêu là bà Sáu tạ. Lén thôi, bà mà nghe được thì phải biết. Bà chửi có pho có sách nên xóm làng đều ngán.
Đường thôn hẹp. Ai chở rạ mà gặp bà lừng lững đi tới là xuống xe, tắt máy, dắt lui, coi như tránh voi chả xấu mặt nào.
Tư rảnh, cũng Tư rảnh, đang cất phân bón ruộng thì một ông xã bên hỏi mua bồ đựng lúa (làng này nổi tiếng đan bồ lúa rất bền). Tư rảnh cười tinh quái, chỉ ngay đến nhà bà Sáu tạ, nói nhà bà còn dư một cái, định bán. Đó đó, cái nhà có cây gòn trước cổng đó. Ông này tới hỏi trong lúc bà Sáu tạ đang binh xập xám. Mấy người bạn đánh bài nháy nhau cười hí hí. Môi bà giựt giựt, hỏi ai biểu ông tới đây? Vừa lúc Tư rảnh gánh phân đi đằng xa, tay mua bồ liền chỉ ngay.
Bà gầm lên, lạch bạch chạy ra đón đường, nắm bâu áo kẻ “xỏ lá” lồng lộn chửi: “Tao mập kệ cha tao, tao có ăn của ông nội mày đâu mà mày cạnh khóe? Bớ cao tằng có rằn có rực, bớ tổ thúc có khúc có đẫn nhà mày!”. Con cháu bà Sáu tạ kéo ra. Tư rảnh hốt hoảng “mở đường máu” bươn ngang đám dưa leo chằng chịt gai tre, chạy về nhà nằm thở hồng hộc.
Đang làm cỏ, chị Tư nghe chuyện vừa bực vừa tức cười, bụng nghĩ từ nay chắc chả hết dám “rảnh”. Chị về xức nghệ chỗ gai quào cho chồng, vờ hỏi lý do. Anh nói đang gánh phân ra ruộng thì bị con trâu điên xông tới… Chị tủm tỉm cười, hỏi trâu đực hay trâu cái? Biết vợ “châm” mình nhưng anh lờ đi, nói tui cắm đầu cắm cổ chạy, có nhìn háng nó đâu mà biết!
Trần Cao Duyên
>> Quyền lợi của con khi cha mẹ ly hôn
>> Rùa ly hôn
>> Lưu cư khi ly hôn
>> Phát hiện mới về tình mẫu tử
>> Hãy nghĩ cho con!
>> Giám sát em bé từ xa
Bình luận (0)