Đánh giá toàn diện kết quả từ đầu nhiệm kỳ
Trong phát biểu khai mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết thực hiện chương trình làm việc toàn khóa của T.Ư Đảng, Hội nghị giữa nhiệm kỳ T.Ư Đảng khóa XIII sẽ cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng. Cụ thể là báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư giữa nhiệm kỳ và một số nhiệm vụ trọng tâm đến hết nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng; lấy phiếu tín nhiệm của T.Ư Đảng đối với các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và một số vấn đề quan trọng khác.
"Đây là một hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; là dịp để chúng ta cùng nhau nhìn lại, đánh giá một cách khách quan, toàn diện những kết quả, thành tựu đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chỉ ra những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; dự báo bối cảnh tình hình mới với những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, để từ đó đề ra những chủ trương, quyết sách lớn cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong nửa cuối của nhiệm kỳ khóa XIII", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Gợi mở một số vấn đề tại hội nghị quan trọng này, Tổng Bí thư cho biết thời gian qua, Bộ Chính trị đã sát sao chỉ đạo Văn phòng T.Ư Đảng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương, nghiêm túc chuẩn bị dự thảo Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư giữa nhiệm kỳ và đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm đến hết nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng. Dự thảo đã được gửi xin ý kiến các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư góp ý trực tiếp vào văn bản để hoàn thiện bước đầu. Ngày 8.5 vừa qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp, tiếp tục thảo luận kỹ lưỡng và cho nhiều ý kiến chỉ đạo xác đáng để hoàn thiện báo cáo trình T.Ư tại hội nghị.
Nội dung của báo cáo đã đề cập một cách khách quan, toàn diện bối cảnh tình hình thế giới, trong nước từ Đại hội XIII đến nay với những diễn biến nhanh chóng, bất thường và có nhiều khó khăn, phức tạp hơn so với dự báo, cũng như so với cùng thời điểm các nhiệm kỳ trước. Báo cáo cũng chỉ rõ những ưu điểm nổi bật, những hạn chế, khuyết điểm chủ yếu và phân tích nguyên nhân, rút ra một số bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phát triển KT-XH; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó là việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật và nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo; đặc biệt là việc đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách, lề lối làm việc. Theo Tổng Bí thư, báo cáo cũng phân tích, dự báo tình hình thế giới và trong nước từ nay đến hết nhiệm kỳ và đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm cần phải tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện trong nửa cuối của nhiệm kỳ khóa XIII.
Danh sách 21 thành viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư được lấy phiếu tín nhiệm
Tổng Bí thư lưu ý T.Ư cần chú ý gắn việc kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư với đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong bối cảnh, tình hình trong nước và thế giới có nhiều khó khăn, thách thức mới xuất hiện và phức tạp, nặng nề hơn. Tập trung phân tích, làm rõ, tạo sự thống nhất cao về những ưu điểm, kết quả, thành tích đã đạt được; đồng thời thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém còn tồn tại; phân tích những nguyên nhân và rút ra những bài học kinh nghiệm từ Đại hội XIII đến nay.
Cùng với đó, cần phân tích, dự báo một cách có cơ sở khoa học về bối cảnh, tình hình mới, những xu hướng, vấn đề lớn có thể xảy ra trên thế giới và ở trong nước. Từ đó, đề xuất những chủ trương, quyết sách lớn và những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu cần phải tập trung quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong nửa cuối của nhiệm kỳ khóa XIII, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Tổng Bí thư cho biết trên cơ sở cho ý kiến của T.Ư, hội nghị lần này sẽ biểu quyết thông qua báo cáo làm cơ sở để Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục phát huy những ưu điểm, bài học kinh nghiệm thành công có được trong nửa đầu nhiệm kỳ khóa XIII; đồng thời khẩn trương, nghiêm túc khắc phục những hạn chế, khuyết điểm còn tồn tại để hoàn thành tốt hơn nữa trọng trách của mình trong nửa cuối của nhiệm kỳ này.
Theo Tổng Bí thư, những kết quả và thành tựu đạt được trong thời gian qua là sản phẩm kết tinh sự sáng tạo của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.
Tuy nhiên, theo Tổng Bí thư, trong dịp phát biểu bế mạc Đại hội XIII của Đảng, ông đã nhắc nhở và lưu ý: "Kết quả và thành công của đại hội là rất quan trọng, tuy nhiên đó cũng mới chỉ là bước mở đầu. Còn làm được hay không, mai kia có biến nghị quyết thành hiện thực sinh động hay không; có làm ra của cải vật chất, mang lại giàu có và hạnh phúc cho nhân dân hay không, đấy mới là thành công thực tế của đại hội".
Không lợi dụng gây chia rẽ, mất đoàn kết
Đối với việc lấy phiếu tín nhiệm của T.Ư Đảng với các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII, Tổng Bí thư nhấn mạnh đây là một trong những nội dung đổi mới rất quan trọng trong công tác cán bộ, được tiến hành từ nhiệm kỳ khóa XI đến nay. Mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm, theo Tổng Bí thư là để thực hiện tốt hơn, có hiệu quả hơn các chủ trương, đường lối, nghị quyết, kết luận của T.Ư Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng có đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ. Cùng đó, giúp các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư - những người được lấy phiếu tín nhiệm "tự soi", "tự sửa", tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống và không ngừng nâng cao trách nhiệm nêu gương, trình độ, năng lực công tác, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng.
Tổng Bí thư cũng cho biết trên cơ sở tổng kết việc lấy phiếu tín nhiệm theo các quy định của Bộ Chính trị khóa XI và khóa XII, ngày 2.2, Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Quy định số 96 và ngày 6.4 đã ban hành Kế hoạch số 16 về việc lấy phiếu tín nhiệm của T.Ư Đảng đối với các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.
Theo Tổng Bí thư, thực hiện các quy định và kế hoạch nói trên, các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chuẩn bị nghiêm túc, chu đáo và gửi trình T.Ư báo cáo kiểm điểm cá nhân của mình. Trong đó, tự nhận xét, đánh giá về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; chỉ ra những hạn chế và giải pháp khắc phục; báo cáo giải trình các vấn đề mà cấp có thẩm quyền hoặc người ghi phiếu yêu cầu.
Tổng Bí thư đề nghị T.Ư nghiên cứu kỹ các báo cáo kiểm điểm cá nhân của từng ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và từ thực tế quan hệ công tác, thể hiện rõ chính kiến của mình về mức độ tín nhiệm đối với từng ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
T.Ư khai mạc hội nghị giữa nhiệm kỳ, lấy phiếu tín nhiệm Bộ Chính trị, Ban Bí thư
21 ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư được lấy phiếu tín nhiệm
Tại hội nghị T.Ư lần này, T.Ư sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với 16 ủy viên Bộ Chính trị và 5 ủy viên Ban Bí thư (một số ủy viên Bộ Chính trị, đồng thời là ủy viên Ban Bí thư).
Cụ thể, 16 ủy viên Bộ Chính trị gồm: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư - Trưởng ban Tổ chức T.Ư Trương Thị Mai; Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Trưởng ban Nội chính T.Ư Phan Đình Trạc; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Trần Cẩm Tú; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang; Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình; Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư Nguyễn Xuân Thắng; Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân VN Lương Cường; Trưởng ban Kinh tế T.Ư Trần Tuấn Anh; Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng.
5 ủy viên Ban Bí thư gồm: Chánh văn phòng T.Ư Đảng Lê Minh Hưng; Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa; Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN Đỗ Văn Chiến; Trưởng ban Dân vận T.Ư Bùi Thị Minh Hoài; Phó thủ tướng Lê Minh Khái.
Tổng Bí thư lưu ý việc lấy phiếu tín nhiệm phải đặc biệt bảo đảm sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, T.Ư Đảng, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung, dân chủ, tự phê bình và phê bình. Cùng với đó, nêu cao trách nhiệm, tinh thần xây dựng của các ủy viên T.Ư Đảng trong việc xem xét, thể hiện sự tín nhiệm của mình; tôn trọng quyền báo cáo, giải trình của các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.
Theo Tổng Bí thư, việc lấy phiếu tín nhiệm phải dựa trên đánh giá đúng phẩm chất, năng lực, kết quả cụ thể thực hiện chức trách được giao và uy tín của người được lấy phiếu tín nhiệm; bảo đảm tính dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch trong việc lấy phiếu tín nhiệm và sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm. "Kiên quyết không để xảy ra vi phạm hoặc lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm để gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Phú Cường thôi ủy viên T.Ư
Theo thông cáo của Văn phòng T.Ư Đảng về ngày làm việc thứ nhất của Hội nghị giữa nhiệm kỳ T.Ư Đảng khóa XIII (Hội nghị T.Ư 7), tại phiên khai mạc sáng 15.5, T.Ư Đảng đã biểu quyết, thống nhất để ông Nguyễn Phú Cường, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, thôi giữ chức vụ Ủy viên T.Ư Đảng khóa XIII.
Ông Nguyễn Phú Cường, nguyên là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai từ 2016 - 2021, vào tháng 12.2022 từng bị Ủy ban Kiểm tra T.Ư kết luận có trách nhiệm trong nhiều vi phạm của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Đồng Nai các nhiệm kỳ từ 2011 - 2021. Liên quan các vi phạm này, cuối tháng 12.2022, ông Trần Đình Thành, nguyên Ủy viên T.Ư, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, đã bị T.Ư khai trừ Đảng.
Việc ông Nguyễn Phú Cường thôi chức ủy viên T.Ư Đảng cũng bắt đầu quy trình miễn nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội mà ông Cường đang đảm nhiệm. Đây là chức danh do Quốc hội bầu, do đó, Quốc hội sẽ tiến hành các thủ tục để miễn nhiệm đối với ông Cường tại kỳ họp 5 khai mạc ngày 22.5 tới. Cũng theo Văn phòng T.Ư Đảng, tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ T.Ư Đảng khóa XIII lần này, T.Ư Đảng đã cho ý kiến về nhân sự một số cơ quan T.Ư để Bộ Chính trị quyết định giới thiệu Quốc hội khóa XV bầu, phê chuẩn theo quy định tại kỳ họp thứ 5.
Ngoài ra, cũng tại hội nghị, T.Ư Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai. Ông Vịnh bị Bộ Chính trị đề nghị T.Ư xem xét kỷ luật sau khi có kết luận và đề nghị của Ủy ban Kiểm tra T.Ư hồi tuần trước.
Bình luận (0)