Đồng bào dân tộc ít người bảo vệ rừng ở Lâm Đồng Chính sách “lấy rừng nuôi rừng” đang phát huy hiệu quả |
Lâm Đồng cùng với Sơn La được Chính phủ chọn thí điểm chính sách chi trả DVMTR giai đoạn (2008-2010). Chủ trương “lấy rừng nuôi rừng” bắt đầu phát huy hiệu quả từ năm 2011, khi Nghị định 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực. Việc giao rừng cho tổ chức, cá nhân quản lý bảo vệ được đẩy mạnh; các doanh nghiệp trực tiếp sử dụng DVMTR phải trả tiền. Theo Tổng cục Lâm nghiệp, cả nước hiện có khoảng 4,1 triệu ha rừng được áp dụng chính sách này với tổng số tiền chi trả hằng năm trên 800 tỷ đồng.
Riêng tỉnh Lâm Đồng, có gần 333.000 ha rừng được giao khoán bảo vệ cho hơn 15 ngàn hộ gia đình, trong đó hộ đồng bào dân tộc ít người chiếm 80%; bên cạnh đó có 36 đơn vị, doanh nghiệp sử dụng DVMTR ký kết hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR. Số tiền thu được từ các doanh nghiệp trong 3 năm (2011-2013) đạt trên 360,3 tỉ đồng, và đã chi cho các hộ hơn 331,6 tỉ đồng. Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, trong 36 đơn vị ủy thác tiền chi trả DVMTR có 14 đơn vị sản xuất thủy điện, 10 đơn vị sản xuất nước sạch, 12 đơn vị kinh doanh du lịch.
Hiện nay, các nguồn thu trực tiếp từ rừng ngày càng ít đi, nhất là sau khi Chính phủ có chủ trương hạn chế khai thác gỗ rừng, thì chính sách chi trả DVMTR được xem là giải pháp thiết thực để bảo vệ rừng, “lấy rừng nuôi rừng”. Với mức giá khoán từ 300.000-400.000 đồng/ha/năm và diện tích khoán trung bình từ 25-30ha/hộ đã nâng cao thu nhập lên 8,3-8,5 triệu đồng/năm cho hàng nghìn hộ gia đình, cải thiện đời sống cho các hộ đồng bào dân tộc ít người vùng sâu, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Ông Lê Văn Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Người cung cấp DVMTR (bảo vệ rừng) nhận thức được việc bảo vệ rừng mang lại cho họ nguồn thu nhập xứng đáng với công sức họ bỏ ra, chứ không như trước đây xem như nguồn hỗ trợ của Nhà nước”.
Qua 3 năm thực hiện, chính sách chi trả DVMTR được xem là bước đột phá của ngành lâm nghiệp Việt Nam. Về mặt môi trường, chính sách đã giúp tăng khả năng cung cấp các giá trị từ rừng như điều tiết nguồn nước, chống lũ, lụt, bồi lắng lòng hồ, tạo cảnh quan du lịch, hạn chế tình trạng phá rừng, bảo vệ đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu… Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập, nhiều chủ rừng còn chiếm đất sản xuất, khai thác lâm sản trái phép, phá rừng; nhiều doanh nghiệp sử dụng DVMTR chây ì, không chịu đóng tiền chi trả DVMTR. Để chính sách "lấy rừng nuôi rừng" thực sự phát huy hiệu quả, cần tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của Ban chỉ đạo thực hiện chính sách chi trả DVMTR, cần có chế tài xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, bảo đảm tính công bằng, công khai trong giao khoán, chi trả, nhằm động viên cộng đồng dân cư tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Mặt khác, mức tiền chi trả DVMTR áp dụng từ năm 2008 là 40đ/m3 nước sinh hoạt, 20đ/Kwh điện thương phẩm trở nên lỗi thời khi giá điện tăng lên 1,6 lần, giá nước sinh hoạt hằng năm đều tăng. Thế nhưng mức chi trả DVMTR lai không tăng, ảnh hưởng đến thu nhập và quyền lợi chính đáng của các hộ nhận khoán bảo vệ rừng.
Lâm Viên
>> Nhiều thủy điện nợ tiền dịch vụ môi trường rừng
>> Nhiều doanh nghiệp thủy điện chưa trả dịch vụ môi trường rừng
>> Buộc 6 doanh nghiệp thủy điện chi trả dịch vụ môi trường rừng
>> Hỗ trợ thí điểm dịch vụ môi trường rừng theo nhóm hộ
>> Áp dụng chi trả phí dịch vụ môi trường rừng
>> Trả phí dịch vụ môi trường rừng
Bình luận (0)