Sau khi xây mới một cây cầu cũ đã hư hỏng, một nhà tài trợ đã dùng tên người cha ruột của mình là Mười Út để thay thế cho tên cầu Kinh Tắt (thuộc xã Mỹ Thành, H.Thủ Thừa, tỉnh Long An) đã tồn tại mấy chục năm, bị người dân địa phương phản đối quyết liệt.
tin liên quan
Lấy tên cha đặt tên cầu xây mới, dân phản đối quyết liệtNhà tài trợ xây dựng cầu dùng tên cha của mình đặt cho cây cầu thì bị người dân địa phương phản đối quyết liệt.
Tùy tiện đổi tên là trái luật
Nói về vấn đề trên, LS Nguyễn Văn Đức, Đoàn LS TP.HCM cho biết, việc đặt, đổi tên đường, phố và công trình công cộng (bao gồm cầu, quảng trường, công viên, vườn hoa, bến xe, công trình văn hoá - nghệ thuật, thể dục thể thao, y tế, giáo dục, công trình phục vụ du lịch, vui chơi giải trí) phải căn cứ vào Quy chế ban hành kèm theo Nghị định 91/2005/NĐ-CP ngày 11.7.2005 của Chính phủ.
Theo đó, tại Điều 15, 16, 17 của Quy chế này quy định việc đặt, đổi tên đường, công trình công cộng quan trọng, UBND tỉnh, TP thuộc trung ương trình HĐND cùng cấp xem xét, quyết định; đối với các công trình công cộng khác UBND tỉnh, thành phố thuộc Trung ương quyết định việc đặt tên hoặc ủy quyền cho UBND thành phố trực thuộc tỉnh, UBND quận, huyện, thị xã quyết định.
Chính quyền địa phương “không được đổi tên đường, phố và công trình công cộng đã có tên gọi quen thuộc, đã gắn bó với lịch sử - văn hoá của dân tộc, của địa phương và đã ăn sâu vào trong tiềm thức, tình cảm của nhân dân qua nhiều thế hệ”, Điều 5 Quy chế nêu rõ.
Cũng theo LS Đức, việc đổi tên đường, phố, công trình công cộng chỉ được thực hiện trong trường hợp xét thấy không có ý nghĩa lịch sử - văn hoá, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, không phải là nhân vật tiêu biểu của đất nước hoặc của địa phương, gây ảnh hưởng, tác động xấu trong xã hội thì phải đổi tên, nhưng cần xem xét thận trọng.
“Căn cứ vào quy định của Quy chế ban hành kèm theo Nghị định 91, việc nhà tài trợ đã dùng tên người cha ruột của mình là Mười Út để thay thế cho tên cầu Kinh Tắt sau khi xây dựng mới cây cầu, mà chưa được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền là không phù hợp với Quy chế nêu trên. Do vậy, theo tôi, cơ quan có thẩm quyền của huyện Thủ Thừa và tỉnh Long An cần buộc nhà tài trợ xây dựng này trả lại tên cây cầu như đã có hàng chục năm nay”, LS Đức nhận định.
Từ thiện phải mang ý nghĩa nhân văn
Nhiều ý kiến cho rằng, việc tự ý đặt lại tên cầu Kinh Tắt của nhà tài trợ xây dựng mới cây cầu cũ đã hư hỏng, đã làm sai lệch đi ý nghĩa nhân văn của công tác thiện nguyện. Nhà tài trợ đầu tư xây dựng mới chiếc cầu bằng bê tông vĩnh cửu, giúp người dân nơi đây đi lại thuận tiện hơn là việc làm mang lại nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, việc đặt lại tên cây cầu truyền thống thành tên cha ruột của nhà tài trợ xây cầu, đã khiến người dân địa phương phản ứng gay gắt và không đồng tình với việc thay đổi theo ý muốn cá nhân này.
Theo ThS Đoàn Thị Thoa, Chuyên ngành Văn hóa học, trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình 2, bản chất của việc làm từ thiện là mang lại giá trị, lợi ích cho con người và cho xã hội. Đi cùng với việc làm mang nhiều ý nghĩa nhân văn này, chính sự chân thật, tự nguyện và không vụ lợi, ồn ào khoa trương. Tuy nhiên, một trong những hạn chế của công tác thiện nguyện hiện nay, chính là việc dùng tiền làm từ thiện nhằm mục đích trục lợi, đánh bóng tên tuổi. Đây là việc làm thật đáng lên án, chê trách.
ThS Đoàn Thị Thoa chia sẻ nếu xét về quản lý xã hội, việc đổi tên một cây cầu liên quan đến chính quyền và ý kiến của cơ quan chính quyền tại địa phương, cơ quan quản lý văn hóa, cuối cùng mới đến người dân.
"Tuy nhiên, trong hoạt động sinh hoạt hằng ngày, tên cây cầu đã gắn liền với rất nhiều thứ như: địa chỉ thư từ, địa điểm đưa đón, thăm viếng, giao thông vận chuyển hàng hóa... thì việc thay đổi lại tên cây cầu sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến thói quen sinh hoạt, cũng như văn hóa của địa phương. Chính vì thế, trả lại tên vốn có của chiếc cầu đã gắn bó từ bao đời với người dân địa phương là việc cần thiết”, ThS Thoa nói thêm.
Bình luận (0)