Lấy ý kiến nhân dân

03/04/2017 00:00 GMT+7

90% trong tổng số hơn 3.000 người đóng góp ý kiến trong cuộc khảo sát của Sở TT-TT Hà Nội chọn bỏ “loa phường”. Nhưng cuối cùng thì UBND TP.Hà Nội công bố “giữ nguyên hệ thống loa phường”.

Ngoài thông báo sẽ “giảm số lượng ở các quận và điều chỉnh vị trí lắp đặt cũng như thời gian, nội dung phát”, thành phố không đưa ra bất kỳ giải thích nào thêm cho quyết định kể trên, hẳn khiến nhiều người hụt hẫng.
Hà Nội chắc hẳn có lý do đưa ra quyết định này, bất chấp con số 90%, bất chấp ý kiến của Chủ tịch UBND TP trước đó rằng đây là một hệ thống “rất tốn kém” với vài trăm triệu đồng mỗi phường một năm và “chất lượng thông tin rất thấp”. Nhưng bất kể lý do đó là gì, thậm chí đơn giản là vì Hà Nội có hơn 7,5 triệu người, thì chỉ có hơn 3.000 người cho ý kiến về loa phường trên cổng thông tin giao tiếp điện tử Hà Nội là con số không đại diện, thì Hà Nội cũng nên công bố một cách rõ ràng, công khai. Hà Nội cần giải thích về sự tốn kém (nếu có) của loa phường, về tính hiệu quả của nó so với lợi ích mà nó mang lại khi quyết định vẫn cho tồn tại hệ thống đài phát thanh xã, phường.
Nếu không làm như vậy, thì không chỉ quyết định đưa ra còn khiến người dân băn khoăn mà sẽ càng khó hơn cho Hà Nội nói riêng và cơ quan chính quyền nói chung khi mở một cuộc trưng cầu ý kiến nhân dân về các vấn đề xã hội khác.
Lâu nay, chúng ta hay bị mang tiếng là các cuộc lấy ý kiến nhân dân rất hình thức. Nhiều chính sách, văn bản pháp luật chưa sát với thực tế, chậm đi vào cuộc sống là do trong quá trình xây dựng, cơ quan chức năng đã không lấy ý kiến nhân dân một cách đầy đủ và khoa học. Mặc dù lấy ý kiến nhân dân là khâu bắt buộc trong quy trình xây dựng chính sách, nhưng một số cơ quan có thực sự muốn lấy ý kiến người dân hay không? Có đủ năng lực tiếp thu ý kiến của người dân và các chuyên gia hay không? Những câu hỏi đó, đáng tiếc lại chính là câu trả lời cho việc nhiều chính sách của ta không sát thực với đời sống nhân dân.
Để nâng cao hiệu lực quản lý cũng như hiệu quả xây dựng chính sách, Đảng, Nhà nước chủ trương phải nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ quan chính quyền. Người dân có quyền tham gia còn cơ quan chính quyền có trách nhiệm phải tiếp thu và giải trình. Và công khai, minh bạch luôn là lý do quan trọng nhất thu hút người dân tham gia các hoạt động tham vấn trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.