Theo thông tin từ Ban Tuyên giáo T.Ư, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, từ 15.9, các dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ 12 của Đảng sẽ được công bố để cán bộ, đảng viên, nhân dân, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiếp nhận nội dung và tham gia đóng góp ý kiến cho các dự thảo.
Các văn kiện dự kiến sẽ được các cơ quan báo chí T.Ư và địa phương đăng tải toàn văn gồm: Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội 12 và dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 5 năm 2011 - 2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm 2016 - 2020.
Bên cạnh đó các cơ quan báo chí cũng sẽ đăng tải các ý kiến đóng góp dự thảo văn kiện từ ngày 15.9 - 31.10.2015. Các ý kiến này sẽ được các cơ quan báo chí tổng hợp gửi về Ban Tuyên giáo T.Ư để Ban Tuyên giáo T.Ư tổng hợp, báo cáo tiểu ban văn kiện Đại hội 12 theo chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Đối với dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội 12, các vấn đề được kiến nghị tập trung thảo luận, đóng góp liên quan đến việc đánh giá tổng quát kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội 11; 30 năm đổi mới và 5 bài học lớn; dự báo tình hình thế giới và đất nước; phương hướng, mục tiêu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN...
Các vấn đề khác cũng được đề nghị thảo luận gồm: quan điểm, mục tiêu, chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế; định hướng, giải pháp phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; phát huy dân chủ gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương; hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN; mục tiêu và nhiệm vụ quốc phòng - an ninh...
Đối với dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm 2011 - 2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm 2016 - 2020, việc lấy ý kiến sẽ tập trung vào dự báo tình hình trước và sau Đại hội 11; đánh giá các kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém, nguyên nhân; các quan điểm phát triển trong đó tập trung vào các nội dung như thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, mô hình tăng trưởng, xây dựng nhà nước pháp quyền gắn với phát huy quyền làm chủ của người dân...
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, cơ quan soạn thảo đề nghị tập trung cho ý kiến về giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và bảo đảm quyền tự do, dân chủ của người dân trong phát triển KT-XH; an ninh, quốc phòng, giữ vững chủ quyền quốc gia; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế...
Bình luận (0)