Thực hiện tự nguyện
Quy định này áp dụng cho các trường phổ thông, trường trung cấp chuyên nghiệp, trường nghề, viện nghiên cứu… nhằm giúp người dạy, người học tăng cường năng lực ngoại ngữ, có khả năng tiếp cận, khai thác các nguồn tài liệu khoa học và chuyên môn bằng tiếng nước ngoài.
|
Dự thảo quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài thực hiện phải xuất phát từ nhu cầu và sự tự nguyện của người học, người dạy, vận dụng linh hoạt ở nhiều mức độ, trình độ khác nhau, phù hợp với điều kiện dạy học của cơ sở giáo dục, đội ngũ nhà giáo và năng lực ngoại ngữ của người dạy, người học (dạy học hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài; dạy học song ngữ - là hình thức kết hợp vừa sử dụng tiếng nước ngoài vừa sử dụng tiếng Việt để dạy học).
Bên cạnh đó, yêu cầu giáo viên phải đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ và dạy đúng chuyên ngành được đào tạo hoặc có chuyên ngành đào tạo phù hợp, được hưởng chế độ thù lao cho việc dạy bằng tiếng nước ngoài.
Theo quy định của Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”, năng lực ngoại ngữ tối thiểu của giáo viên phổ thông dạy bằng tiếng nước ngoài phải cao hơn năng lực ngoại ngữ yêu cầu cần đạt của học sinh trong cấp học 2 bậc; người dạy tại các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp phải đạt trình độ ngoại ngữ bậc C1 của Khung tham chiếu năng lực ngoại ngữ châu u hoặc tương đương.
Chỉ áp dụng với các môn tự nhiên
Riêng đối với giáo dục phổ thông, việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài chỉ áp dụng đối với các môn khoa học tự nhiên, công nghệ và tin học theo chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam, hoặc chương trình của nước ngoài do Bộ GD-ĐT quy định hoặc phê duyệt.
Dự thảo cũng cho biết, đối các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự lựa chọn hoặc phối hợp với đối tác nước ngoài xây dựng chương trình đào tạo để dạy bằng tiếng nước ngoài một số môn cơ bản, cơ sở, chuyên ngành, những nội dung kiến thức, kỹ năng được thiết kế thành các môn học, tín chỉ hoặc mô - đun; ưu tiên cho các chương trình tiên tiến, chương trình liên kết đào tạo với các cơ sở nước ngoài hoặc một số ngành trọng điểm, có nhu cầu hội nhập cao như công nghệ thông tin, kinh tế, tài chính, ngân hàng, du lịch và các chương trình đào tạo theo nhu cầu xã hội và nhu cầu của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Không dạy học bằng tiếng nước ngoài đối với các nội dung thuộc về các lĩnh vực chính trị, văn hóa, nghệ thuật, lịch sử Việt Nam.
Ngoài ra, giáo trình, tài liệu giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp cụ thể hóa về nội dung kiến thức, kỹ năng quy định trong chương trình giáo dục đối với mỗi môn học, ngành học, trình độ đào tạo có thể được dịch từ tiếng Việt ra tiếng nước ngoài để giảng dạy hoặc sử dụng giáo trình, tài liệu của nước ngoài được lựa chọn, biên tập và điều chỉnh về nội dung sao cho phù hợp với trình độ của người học và điều kiện tổ chức đào tạo của Việt Nam.
B.Thanh
>> Dạy và học tiếng Hoa trong nhà trường ra sao?
>> Ngày đầu đổi giờ học: Học sinh, nhà trường đều mệt mỏi
>> Chỉ 3% doanh nghiệp liên kết với nhà trường trong tuyển dụng nhân sự
>> GS Ngô Bảo Châu: Học sinh phải yêu lấy nhà trường
>> Câu chuyện tin học hóa trong nhà trường
>> Ép học sinh tặng quà nhà trường
>> Hội thảo về nhà trường VN
Bình luận (0)