Những ngày cận lễ Quốc khánh 2.9 , lòng người thợ may cờ Tổ quốc dường như rộn ràng hơn, phấn khởi hơn.
Trên từng đường kim mũi chỉ, người may cờ gửi gắm tình yêu và sự chăm chút của mình vào sản phẩm. Để khi thấy những lá cờ của mình được người dân khắp nơi từ hộ gia đình đến các cơ quan, xí nghiệp... nâng niu, treo trang trọng, họ lại càng xúc động hơn nữa.
PV Thanh Niên có dịp gặp gỡ những người thợ có thâm niên cả chục năm chuyên may cờ Tổ quốc trước lễ 2.9, ghi nhận cảm xúc và không khí làm việc tất bật của họ.
Chị Phạm Thị Anh, chủ cơ sở may cờ Hải Yến ở TP.Biên Hoà thành lập được hơn 10 năm cho biết: "Năm nay, đơn đặt hàng đặt may các loại cờ, trong đó phần lớn cờ Tổ quốc của xưởng chúng tôi tăng 300% so với năm ngoái, phục vụ khách hàng khắp cả nước. Thợ may cờ có thu nhập không dưới 10 triệu đồng/tháng".
Bà Đào Kim Hồng (70 tuổi) bén duyên với nghề may cờ Tổ quốc, cờ Đảng được hơn 10 năm chia sẻ: "Từng đường kim mũi chỉ phải thật cẩn thận. Dù dịp lễ, tết đơn hàng nhiều nhưng không vì thế mà may ẩu, làm ảnh hưởng đến chất lượng và thẩm mỹ của lá cờ".
Sao vàng được cắt sẵn theo khuôn rồi được may lên nền vải đỏ. Người thợ phải dùng kim cố định sao vàng đúng vị trí rồi mới bắt đầu may.
Trung bình mỗi ngày, bà Hồng vừa cắt, vừa may được hơn 20 lá cờ Tổ quốc. Mọi công đoạn đều được bà thực hiện thủ công nên mất thời gian. "Đi ra đường, nhìn những lá cờ của mình được treo trang trọng, tôi thấy vui và xúc động lắm".
Nghề may cờ Tổ quốc: Tự hào tình yêu đất nước trên từng đường kim, mũi chỉ
Bà Hồng cắt vải thừa sau khi may xong. Ngoài những lá cờ khổ nhỏ, bà Hồng từng may một lá cờ lớn có chiều dài 9 m theo đặt hàng của chủ xưởng may để làm quà tặng cho các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở vùng biển đảo quê hương.
Chị Anh chia sẻ, cờ Tổ quốc tuy nhìn đơn giản, nhưng không phải người thợ nào cũng có thể may đúng quy chuẩn. Hơn 10 năm qua, chị Anh và bà Hồng vẫn luôn mong muốn tìm người kế cận nhưng không phải ai cũng đặt tâm huyết của mình vào sản phẩm. "Cờ Tổ quốc là một sản phẩm mang tính thiêng liêng và thể hiện niềm tự hào dân tộc", chị Anh nói.
Những ngày trước lễ, đơn hàng đặt cờ Tổ quốc tăng cao, gần 10 nhân công trong xưởng của chị Anh có lúc phải tăng ca mới làm kịp. Sản phẩm của chị Anh không chỉ phục vụ đối tượng là các hộ gia đình mà còn đến tay các cơ quan, tổ chức, công ty...
Trong một xưởng may cờ khác của chị Anh, anh Nguyễn Văn Thao (35 tuổi, ngụ TP.Biên Hoà) đang trải vải, rập khuôn và cắt ngôi sao để may lên cờ. Cờ Tổ quốc có những quy chuẩn riêng, lúc cắt vải phải chỉn chu. Ngoài ra còn phải chú ý đến màu sắc của từng loại vải, phù hợp với mỗi loại cờ khác nhau.
"Cờ Tổ quốc là biểu tượng thiêng liêng của đất nước nên khi làm phải nâng niu, cẩn thận", anh Thao nói.
Chị Trần Thị Sửu (39 tuổi, ở TP.Biên Hoà) cũng có thâm niên may cờ hơn 10 năm chia sẻ: "Không riêng gì dịp lễ 2.9, sau các trận đá bóng đội tuyển Việt Nam thắng lớn, người may cờ như chúng tôi rất vui vì ai ai cũng cầm lá cờ Tổ quốc trên tay mừng chiến thắng".
Cờ Tổ quốc thường được may bằng vải phi bóng, phi mờ. Cờ treo ở các hộ gia đình thì có giá 20.000 – 35.000 đồng. Cờ treo ở cơ quan, công ty có kích thước lớn hơn, thường là 1,2 m x 1,8 m, giá từ 100.000 – 150.000 đồng. Tùy vào kích thước, chất liệu mà có mức giá khác nhau.
Xưởng của chị Anh còn may tất cả các loại cờ khác như cờ lễ hội, cờ các quốc gia... Chúng tôi rất tự hào với công việc của mình vì đã góp một phần nhỏ để cùng vui với niềm vui chung của dân tộc, đặc biệt là dịp lễ 2.9 hằng năm", chị Anh chia sẻ.
Bình luận (0)