Lê Công Cơ: Đào tạo trách nhiệm với đất nước

25/12/2012 05:40 GMT+7

Ông khá nổi tiếng bởi chính là nguyên mẫu nhân vật Nguyễn Phi trong tiểu thuyết Học phí trả bằng máu của nhà văn Nguyễn Khắc Phục.

Sau giải phóng, những tưởng con đường đi tiếp theo của ông là chính trị, nhưng ông lại đi hướng khác. Cũng là xây dựng, cống hiến cho đất nước, nhưng ở giáo dục - lĩnh vực mà ông đã nuôi trong mình lòng quyết tâm gầy dựng từ thời trai trẻ. Ông là Lê Công Cơ.

Năm 1994, ông là người tiên phong trong việc mở trường ĐH tư thục đầu tiên của miền Trung. Những ngày ấy, việc mở trường ĐH tư thục đối với nhiều người là trò chơi ngông không hơn không kém, nhưng ông vẫn nuôi hy vọng bởi đây chính là việc làm mà ông tâm huyết. Với ông, chỉ đầu tư cho giáo dục mới có thể tạo dựng một xã hội văn minh. Và ông đã chứng minh bằng tất cả năng lực của mình, để có được quyết định cho phép thành lập trường ĐH Duy Tân - trường ĐH tư thục đầu tiên của cả khu vực miền Trung, do chính Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc bấy giờ ký. Cũng chính từ năm ấy, ông bắt đầu lao vào làm giáo dục, dồn mọi sức lực của mình cho giáo dục.

Lê Công Cơ: Đào tạo trách nhiệm với đất nước
Ở tuổi thất thập cổ lai hy, ông Cơ vẫn say mê biến những dự án phát triển giáo dục thành hiện thực - Ảnh: Bảo Nguyên

"Đứng trên vai của người khổng lồ"

Để làm giáo dục, ông không tiếc công đi đến các trường nổi tiếng của các quốc gia nổi tiếng để học hỏi. Hơn 90 trường đại học nổi tiếng trên thế giới ông đã đặt chân đến. Từ cách làm này, ông đã "ngộ" ra được nhiều việc mình cần làm để xây dựng một môi trường giáo dục tiên tiến. Ông nhận ra rằng, đối với những nền giáo dục của thế giới, hầu hết đều rất chú trọng đến việc đào tạo cho sinh viên của mình những kỹ năng, ý thức, trách nhiệm với đất nước, còn kiến thức sẽ được bồi bổ trong quá trình va chạm, tiếp xúc với công việc sau khi rời ghế nhà trường. Trong khi đó, giáo dục của Việt Nam hiện vẫn thiên về việc nhồi nhét kiến thức hơn là quan tâm những vấn đề khác, vì vậy sinh viên khi ra trường ngoài kiến thức không được trang bị thêm gì khác. Từ nhận biết này, ông nuôi dưỡng quyết tâm xây dựng một môi trường giáo dục toàn diện cho sinh viên tại trường ĐH Duy Tân, nhưng phải có sự kết hợp giữa cả cách giáo dục của Việt Nam và các quốc gia tiên tiến.

Và cũng từ những chuyến đi dài học hỏi, ông đã có được một bài học quý báu đó là biết "đứng trên vai người khổng lồ". Đó là việc liên kết với những trường lớn mạnh để kéo về những chương trình đào tạo quốc tế cho sinh viên Việt Nam. Bắt đầu từ việc liên kết đào tạo cử nhân công nghệ phần mềm và hệ thống thông tin với Trường ĐH Carnegie Mellon (Mỹ) - là trường ĐH đào tạo về công nghệ thông tin rất mạnh. Ông nói: "Chúng ta không thể tự mày mò, vừa tốn kém vừa không thể đạt được một đẳng cấp nào! Việc liên kết này sẽ giúp cho ta rất nhiều trong lĩnh vực giáo dục, chẳng hạn: mời được nhiều giảng viên giỏi từ các trường ĐH nổi tiếng cho sinh viên có cơ hội được học với giảng viên giỏi tầm quốc tế, giảng viên cũng học hỏi được phương pháp lẫn cách làm việc chuyên nghiệp từ những giáo sư này; sinh viên được học những chương trình quốc tế với thầy giỏi mà không phải quá tốn kém chi phí... Rất nhiều cái lợi!".

 
Đối với những nền giáo dục của thế giới, hầu hết đều rất chú trọng đến việc đào tạo cho sinh viên của mình những kỹ năng, ý thức, trách nhiệm với đất nước, còn kiến thức sẽ được bồi bổ trong qua trình va chạm, tiếp xúc với công việc sau khi rời ghế nhà trường

Theo ông, với việc phối hợp này, hằng năm, một lực lượng giảng viên của trường sẽ được cử đi đào tạo nâng cao trình độ và tiếp cận những phương pháp đào tạo trong môi trường chuyên nghiệp, sẽ giúp cho giảng viên không chỉ được bồi bổ về kiến thức, mà về cả phương pháp giảng dạy, truyền đạt cho sinh viên... "Đó là cái thu lợi rất lớn từ "những người khổng lồ"!", ông chia sẻ. Rất nhiều chương trình đào tạo quốc tế đã được mở ra tại trường, theo phương pháp liên kết này và đã tạo được hiệu quả cao.

Thầy giỏi mới đào tạo được trò giỏi

Hơn ai hết, trong lĩnh vực giáo dục, ông Cơ luôn chiêm nghiệm rất rõ: "Chỉ có thầy giỏi thì mới đào tạo được trò giỏi! Người thầy rất quan trọng trong việc truyền thụ kiến thức. Ngày trước tôi đi học, có những môn học rất cuốn hút bởi người thầy xuất sắc, cách truyền thụ rất thú vị, kiến thức sâu nên càng học càng muốn học thêm!", ông Cơ chia sẻ.

Đó cũng là lý do mà từ nhiều năm nay, việc làm luôn được đặt lên hàng đầu trong ngôi trường của ông là chiêu mộ giảng viên giỏi về trường. Ông đưa ra những chính sách rất ưu đãi đối với những giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ muốn về công tác tại trường. Có những người được hỗ trợ vài trăm triệu đồng. Những chính sách thu hút nhân tài của ông không chỉ đơn thuần về vật chất, mà cả về việc tạo một môi trường dạy học chuyên nghiệp cho những giảng viên của mình, không phải sáng chiều dạy, tối chạy sô khiến cho việc dạy học trở nên nhàm chán. Cùng với đó, ông xây dựng một môi trường học tập mà sinh viên có thể tự tin, phát huy tinh thần độc lập, sáng tạo cá nhân, nhưng biết kết hợp làm việc theo nhóm một cách hiệu quả, để khi ra trường không bỡ ngỡ trước thực tế công việc. Đó cũng là lý do càng ngày số sinh viên của ĐH Duy Tân ra trường tìm được việc làm càng nhiều, đạt 85%. Rất nhiều doanh nghiệp tìm đến trường để đăng ký tuyển dụng những lứa sinh viên vừa mới tốt nghiệp.

Điều ông Cơ tâm huyết nhất là làm thế nào để có thể tạo một môi trường học tập thực sự hoàn thiện, như những ngôi trường quốc tế mà ông đã đi đến thăm, tìm hiểu. "Nếu nói muốn nhanh chóng đạt chuẩn quốc tế đối với một trường tư thục hiện nay là quá khó, bởi về mọi mặt đều còn có sự hạn chế và còn rất nhiều việc để làm. Nhưng, theo tôi, vẫn có thể đạt được chuẩn quốc tế ở một số ngành, nhóm ngành... thông qua việc hợp tác với các trường danh tiếng, chiêu mộ người tài, chịu khó học hỏi. Từng bước từng bước hoàn thiện. Chúng tôi đặt ra một quyết tâm là đến năm 2020, thông qua việc hợp tác với những trường ĐH lớn, sẽ xây dựng 2 ngành công nghệ phần mềm và hệ thống thông tin của trường đạt chuẩn ABET!", ông Cơ nói một cách đầy quyết tâm.

Chuyên mục Sáng tạo vì Khát vọng Việt giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước… Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên Việt Nam, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới, dấn thân và sáng tạo vì một nước Việt hùng mạnh.

 

Diệu Hiền

>> Nhà sử học Dương Trung Quốc: Căn bản là xác lập được giá trị đúng
>> Nguyễn Trí Kiên - Không ngừng học hỏi để thành công
>> Có một người phụ nữ Việt như thế 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.