Lê Duẩn - một nhà lãnh đạo lỗi lạc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam

09/07/2006 23:41 GMT+7

Nhân ngày giỗ lần thứ 20 của cố Tổng bí thư Lê Duẩn, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã có một bài viết đánh giá công lao và tầm vóc của cố Tổng bí thư. Thanh Niên trân trọng trích giới thiệu một phần bài viết này.

...Trước kia tôi ở cương vị thấp nên không có điều kiện tiếp xúc nhiều với anh Lê Duẩn. Đến tháng 11 năm 1973, sau khi được cùng anh Võ Văn Kiệt và Khu ủy Khu 9 lãnh đạo, chỉ huy lực lượng cách mạng của Quân khu đánh bại kế hoạch "Tràn ngập lãnh thổ" của địch, làm phá sản chiến lược bình định lấn chiếm sau Hiệp định Paris của chính quyền Sài Gòn, tôi được anh Lê Duẩn gọi ra Bắc báo cáo tình hình chiến trường. Anh nói rằng "Mỹ tăng cố vấn và tăng viện trợ để thực hiện quyết liệt ý đồ "Quốc gia dân tộc"; nhưng bọn ngụy quyền vẫn tham nhũng và mâu thuẫn nhau nên chưa thực hiện được. Cả bộ máy quân sự khá đồ sộ - từ quân chủ lực tới quân địa phương, bảo an dân vệ, đến phòng vệ dân sự... đông - đồ sộ nhưng không mạnh". Anh nói một cách rành rẽ và kiên quyết: "Quyết không để cho quân ngụy nó lại hồn, không để cho nó trấn tĩnh lại, phải chớp thời cơ càng nhanh càng tốt. Nếu một khi nó đã hết hoang mang, ổn định tinh thần rồi thì mình sẽ khó vô cùng. Nếu kế hoạch cơ bản về "Việt Nam hóa" của nó mà làm được 70% thì ta sẽ khó khăn. Lúc đó nếu còn chiến tranh thì sẽ trở thành "nội chiến"; mà đã như thế thì nó sẽ diễn ra như thế nào, không ai lường trước được". Để tâm nghiên cứu tình hình một chút thì thấy rất rõ là từ giữa năm 1973 đến đầu 1974, nó đã bắt đầu thí điểm thực hiện kế hoạch ở một số vùng ven đô. Bởi vậy Bí thư thứ nhất Lê Duẩn và Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta đã chỉ rõ: Nhằm lúc Mỹ rút nhưng chưa rút xong và không thể quay lại, ngụy ở lại thì chưa ổn định, đây là thời cơ tốt nhất để ta tổng tiến công và nổi dậy đánh trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Thời cơ là vô cùng quan trọng. Thời cơ là sức mạnh. Đây là một tư duy sắc sảo của anh.

Nói rõ thêm về điểm này, tôi được biết, trong thiên hồi ức của mình, anh Phan Hàm, nguyên Phó cục trưởng Cục Tác chiến đã ghi lại những ý kiến của đồng chí Lê Duẩn ngày 21 và 22 tháng 7 năm 1974 tại Đồ Sơn, khi anh Hàm được cùng với các anh Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn là hai Phó tổng tham mưu trưởng và anh Võ Quang Hồ, Phó cục trưởng Tác chiến lên báo cáo tình hình với đồng chí Lê Duẩn và nhận chỉ thị chuẩn bị kế hoạch quân sự cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam. Những lời anh Lê Duẩn nói ngoài văn bản mà anh Phan Hàm đã ghi lại một cách trung thực vì anh cho rằng "Nó có sức nặng hơn cả mấy binh đoàn" vì đó là tư duy sáng giá của một bộ óc lỗi lạc tại thời điểm quyết định của cách mạng. Sau khi phân tích sâu sắc tình hình mọi mặt: Mỹ, các nước lớn, tình hình ta, chiến trường..., đồng chí Lê Duẩn nói: "Hiện nay các nước muốn làm chủ Đông Nam Á chưa ai sẵn sàng cả. Mỹ thì đang rút ra, chưa phải là lúc vào lại. Cho nên, mặc dù bọn Mỹ ở bên này có kêu gào đến mấy chăng nữa, thì viện trợ cũng chỉ có chiều hướng giảm, không tăng. Các nước khác (...) thì chưa ai đủ mạnh; ngụy thì đang xuống dốc, còn ta thì đang ở thế thắng và đang tiến lên nhanh. Vì vậy tôi nghĩ rằng, nay thời cơ thuận lợi nhất để kết thúc cuộc chiến tranh, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam. Nếu để chậm năm bảy năm nữa, họ mạnh lên thì sẽ phức tạp vô cùng cho ta. Từ tình hình trong nước và tình hình thế giới mà rút ra kết luận đó. Nhưng còn một vấn đề nữa là thắng như thế nào cho tốt? Để chậm thì không tốt đã đành; còn làm mà làm không tốt, trầy trật, cũng sẽ thêm phức tạp. Làm tốt là làm nhẹ nhàng, làm nhanh, làm gọn, làm triệt để, làm trong một vài tháng, thì có lợi hơn là làm dây dưa, kéo dài ngày. Có như thế mới đạt được bất ngờ để không ai kịp trở tay; chứ nếu kéo dài ra thì các nước lớn sẽ tìm cách này, cách nọ để tăng thêm lực lượng, tiền của, để họ đối phó được với ta. Có làm được như thế không? Tôi nghĩ rằng cần thiết và nhất định sẽ làm được...".

Tôi cho rằng, ở vào thời khắc đó, chỉ có một con người "hơn hẳn người khác một cái đầu" thì mới có được những tư duy lỗi lạc như vậy!

Khi Cục Tác chiến và Bộ Tổng tham mưu dự kiến kế hoạch tiến công giải phóng trong 4 năm, đồng chí Lê Duẩn đã nói: "Ta quyết tâm trong hai năm 1975-1976, động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ở cả hai miền Nam-Bắc, đưa cuộc cách mạng của ta lên bước phát triển mới, cao nhất, bằng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa, tiêu diệt và làm tan rã ngụy quân, đánh đổ ngụy quyền các cấp, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân...". Thế rồi, đồng chí Bí thư Thứ nhất đã chỉ rõ: "Do tính chất của cuộc chiến tranh, đô thị là nơi quyết định. Nó thua ở đâu, chứ nếu không dứt điểm được Sài Gòn thì chiến tranh sẽ còn tiếp tục. Cho nên nhất định Sài Gòn phải chuyển mạnh, nếu không thì mất thời cơ. Phải chủ động gây phong trào, chứ không phải ngồi chờ phong trào nổi lên. Khi ta đánh mạnh thì phong trào đô thị sẽ khác ngay. Phải có người dám làm, vào hẳn trong thành phố. Không xông vào thì xa rời quần chúng, xa phong trào. Phải xông vào mà nắm lấy chỗ yếu nhất của địch, để kịp thời và có biện pháp cụ thể lợi dụng, khoét sâu thêm.

Đánh vào Sài Gòn như thế nào? Tất nhiên là phải chuẩn bị cho kỹ về quân sự. Các anh phải làm cho thật tốt. Tôi chỉ nói đến một khía cạnh thôi. Đây là một thành phố có gần 4 triệu dân, có 10 vạn cảnh sát, ghê gớm lắm. Nhưng không phải chỉ đem lực lượng quân sự giữa hai bên ra mà so sánh, mà phải thấy lực lượng của quần chúng. Lực lượng này thì tiềm tàng, bây giờ ta phải ra sức phát triển, nhưng sức mạnh của nó thì không ai có thể lường hết được. Nó còn mạnh gấp năm gấp mười lần sức mạnh quân sự. Đến một lúc nào đó, tình thế xoay chuyển, thì chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng này có thể làm tê liệt tất cả: Nhà máy sẽ không còn là pháo đài hay lô cốt của địch, mà sẽ trở thành những ổ đề kháng, nơi tập trung lực lượng của giai cấp công nhân; đường phố sẽ không còn là phòng tuyến của địch, mà trở thành những chiến lũy gang thép, thiên la địa võng của ta để bao vây quân địch, tiêu diệt quân thù. Mà chẳng phải chỉ có Sài Gòn mới làm được như thế đâu. Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ... nơi nào cũng làm được như thế cả...".

Thế rồi sự thật lịch sử cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, đại thắng mùa Xuân 1975 đã diễn ra đúng như những ý kiến tiên liệu của anh.

...Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi có nhiều lần từ chiến trường được ra Bắc báo cáo tình hình với anh. Sau giải phóng 1975, tôi có điều kiện gặp anh nhiều hơn. Không phải ở anh cái gì tôi cũng bằng lòng 100%, nhưng có hai điểm thì tôi luôn luôn nhất trí:

Một là, quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày đêm anh đau đáu suy nghĩ việc đó. Năm xưa anh hào hứng mang bản "Đề cương cách mạng miền Nam" ra Bắc. Tình hình nội bộ chưa thuận, anh kiên trì đi vận động từng người. Tình hình quốc tế trắc trở, cả hai người bạn lớn đều không muốn cho ta đấu tranh vũ trang, anh là một trong những người đi Liên Xô và Trung Quốc nhiều nhất để vận động, thuyết phục; và bằng thực tế tổ chức đấu tranh cách mạng của Đảng và nhân dân ta, hai người bạn lớn từ chỗ không ủng hộ đã đi tới ủng hộ tích cực và có hiệu quả cuộc kháng chiến của ta. Năm 1972, một sự kiện làm thế giới sửng sốt: Bắc Kinh, và sau đó là Matxcơva mở cửa đón Tổng thống Mỹ Nixon. Một lần nữa, vì quyền lợi của dân tộc mình mà các nước lớn lại đem "vấn đề Việt Nam" để bàn bạc quyền lợi với nhau. Sự kiện này đã gây một khó khăn rất lớn đối với cách mạng Việt Nam. Nhưng, một lần nữa, anh Lê Duẩn đã cùng Bộ Chính trị - bộ óc tối cao của cách mạng Việt Nam, tỉnh táo, sáng suốt tìm ra sách lược mới. Trí tuệ Việt Nam đã vượt lên trên sự tính toán của các nước lớn. Và, quyết định của anh giải phóng nhanh trong hai năm 1975-1976, tiến tới giải phóng trước tháng 5.1975 khi thời cơ đã tới. Đây là một quyết định sắc sảo; tôi cho rằng quyết định này có từ trí tuệ chứ không chỉ từ tấm lòng.

Hai là, anh luôn luôn là một con người đôn hậu. Sự đôn hậu không chỉ thể hiện khi anh đưa ra những chủ trương, chính sách để cải thiện, mang lại cuộc sống cho người dân ngày càng tốt hơn, không chỉ trong tiếp xúc, ứng xử đối với anh em, đồng chí, với bạn bè quốc tế. Mà tôi còn biết có người đã hết sức xấu với anh, nhưng anh vẫn đối lại bằng sự đôn hậu.

Hôm nay, nhân kỷ niệm 20 năm ngày anh từ biệt chúng ta đi về cõi vĩnh hằng, chúng ta nhớ về anh, một cán bộ lãnh đạo lỗi lạc, một tư duy sáng tạo không ngừng của cách mạng Việt Nam, một Người Anh đôn hậu, đáng kính trọng và vô cùng biết ơn!

(Hà Nội  tháng 7.2006)

Đại tướng Lê Đức Anh, (Nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.